Nếu như trước đây, người dân Hà Tĩnh muốn xem bói phải đến tận nơi để gặp “thầy”, thì hiện tại, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể nhận được lời phán của “thầy” thông qua các hội nhóm trên Facebook, Zalo, TikTok...
Những hội nhóm này quảng cáo rầm rộ với đủ mọi “dịch vụ tâm linh” như: tử vi, chọn ngày đẹp, xem tuổi, tìm người thất lạc, thậm chí livestream (phát sóng trực tiếp) để lên đồng, bói toán... thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt truy cập, theo dõi.
Một số tài khoản còn mạnh dạn tự xưng là “cậu”, “cô”, quảng cáo có năng lực đặc biệt, luận giải được mọi vận hạn của con người thông qua các đường chỉ tay, tướng mạo, đặt tiền...
Chị T.K.H. (27 tuổi, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Dạo này, tôi cảm thấy công việc không được suôn sẻ, cuộc sống có nhiều khó khăn hơn trước nên quyết định xem bói. Do công việc văn phòng không sắp xếp được thời gian nên tôi đã thử tìm kiếm các dịch vụ xem bói online. Sau một thời gian tìm kiếm, tôi kết nối với “cô đồng” xem bói được giới thiệu sống tại Hà Nội. Qua vài câu trao đổi ngắn gọn, “cô đồng” đã nhanh chóng “báo giá” và không quên nhắc tôi chuyển 200.000 đồng đặt cọc để “thần linh chứng” rồi mới xem tiếp. Qua những thông tin thầy “hù dọa”, không đúng sự thật, tôi mới biết mình đã bị lừa”.
Từ hình thức xem bói, giải hạn online, nhiều “cô”, “cậu” còn lợi dụng sự cả tin của người dân để bán những “vật phẩm phong thủy” có “năng lực giải hạn”. Đáng chú ý, những vật phẩm này có giá không hề rẻ, ít thì từ 100.000 đồng, nhiều thì lên đến tiền triệu.
Tuy nhiên, với sự dẫn dắt của những “cô”, “cậu”, không ít người đã cả tin mà mạnh tay chi tiền. Theo lời quảng cáo, chỉ cần mua những đồ vật như vòng đeo tay, bùa chú, đồng tiền... mang theo bên mình thì sẽ được hộ mệnh, giúp gia chủ tai qua nạn khỏi.
Cách thức đặt hàng vô cùng dễ, chỉ cần người xem để lại ngày sinh, số điện thoại là có người gọi điện “chốt đơn”. Vô tình, những thông tin cá nhân của người xem đã bị lộ, từ đó, không ít người gặp phiền toái với các cuộc gọi làm phiền.
Khó chịu với những cuộc gọi liên tiếp chào mời mua vật phẩm phong thủy và giới thiệu việc làm, chị N.T.H. (24 tuổi, TP Hà Tĩnh) cho biết, trong lần rảnh rỗi xem livestream trên TikTok, thấy có người xem bói online miễn phí nên chị đã để lại số điện thoại và ngày sinh. Sau khi được “thầy” phán vài câu qua loa thì ngay ngày hôm sau, chị liên tiếp bị nhiều cuộc gọi từ các số lạ làm phiền.
Chị H. chia sẻ: “Một lần lỡ dại mà khiến cho cuộc sống bị đảo lộn. Cứ chặn số này thì sẽ có số điện thoại khác gọi tới. Nhưng đây là số điện thoại đã dùng hơn 10 năm nên tôi không thể đổi. Từ câu chuyện của tôi, mong mọi người sẽ không lặp lại sai lầm tránh rơi vào hoàn cảnh oái oăm trên”.
Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty TNHH Luật Hà Châu thông tin: Luật An ninh mạng nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để hoạt động mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37, Điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 quy định, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, buộc người vi phạm gỡ bỏ các bài đăng do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.