Cựu chiến binh thôn Hạ Triều (xã Vĩnh Lộc) kể về nỗi đau thương ở Cầu Nhe năm 1968.
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những ký ức bi hùng vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của CCB Bùi Quốc Dưỡng ở thôn Hạ Triều, xã Vĩnh Lộc. Đó là buổi trưa định mệnh ngày 15/4/1968, 53 người con đất Cảng biên chế Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Yên Tử, Quân khu 3 đã hy sinh trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam khi bị một tốp máy bay Mỹ rải bom trúng đội hình. Tất cả các anh, những thanh niên tuổi đời chưa tới 20, ấp ủ khát vọng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã nằm lại Cầu Nhe.
Trong tiếng bom cày, đạn xé, dưới sự chỉ huy của lãnh đạo, chính quyền địa phương, nhân dân, dân quân, giáo viên và học sinh xã Vĩnh Lộc đã ào ra cầu; ngụp lặn dưới dòng sông Nhe để khẩn trương cứu chữa những người bị thương và mai táng những chiến sỹ đã hy sinh. Máu của các anh đã thắm đỏ dòng sông, hòa tan vào trong đất giữa buổi trưa lịch sử ấy...
Mố cầu Nhe - chứng tích lịch sử vẫn còn nguyên vẹn trên dòng sông
Thời gian là liều thuốc hàn gắn những dấu vết của chiến tranh, nhịp sống mới đã dần hồi sinh trên mảnh đất khốc liệt ấy. Lễ kỷ niệm ngày các anh ngã xuống sau nửa thế kỷ càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa khi cây cầu mới dài 34m với tổng đầu tư hơn 11 tỷ đồng bắc qua dòng sông Nhe đã hoàn thành.
Phó Bí thư Huyện ủy Can Lộc Đặng Trần Phong cho biết: “Trên tinh thần chỉ đạo của huyện, nhà thầu đã gấp rút huy động lực lượng, đẩy nhanh tiến độ để thông cầu trong vòng 2 tháng kể từ ngày khởi công. Đây không chỉ là công trình kỷ niệm ngày lễ trọng đại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai bên bờ sông giao thương, đi lại”.
Cầu mới được xây dựng tạo điều kiện cho người dân giao thương đi lại
Cùng tinh thần hướng tới ngày kỷ niệm sự kiện ở Cầu Nhe, những ngày này, xã Vĩnh Lộc đang gấp rút triển khai kế hoạch trồng cây xung quanh tượng đài, vệ sinh, nạo vét khu vực trước tượng đài, khu vực cầu vừa mới xây dựng.
Ông Trần Xuân Hoài - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Năm nay, nhà bia tưởng niệm 53 liệt sỹ đã được chúng tôi trùng tu, tôn tạo, mở rộng diện tích. Với sự hỗ trợ của Thành ủy Hải Phòng, của huyện, với kinh phí 2,4 tỷ đồng, nhà bia hiện tại đã làm 53 ngôi mộ tượng trưng, 1 ngôi mộ tập thể và 1 nhà thờ”.
Chủ lực trong các hoạt động chăm sóc nơi tưởng niệm các liệt sỹ là Hội CCB xã Vĩnh Lộc, với các hoạt động uống nước nhớ nguồn. Ngoài việc kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã để tổ chức tốt hoạt động vệ sinh môi trường, hội còn trực tiếp liên lạc với Trung đoàn Yên Tử, các thân nhân liệt sỹ để chuẩn bị cho việc đón tiếp.
Hội CCB thôn Hạ Triều làm vệ sinh khuôn viên nhà tưởng niệm
Ông Nguyễn Xuân Hạnh - Phó Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: “Năm nay, dự kiến có 200 đại biểu ở các đơn vị và thân nhân liệt sỹ từ Hải Phòng vào dự lễ kỷ niệm. Chính vì thế, chúng tôi đã họp bàn và bố trí 80 gia đình CCB 2 thôn Hạ Triều và Vĩnh Phúc chuẩn bị sẵn sàng việc đón tiếp, nơi ăn, chốn ở cho các gia đình thân nhân liệt sỹ chu đáo”.
Nằm yên tĩnh giữa vòm cây xanh bên dòng sông Nhe, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngày ngày được chăm sóc bởi bàn tay của Chi hội CCB thôn Hạ Triều. Việc lau mộ, quét dọn khuôn viên, nhà tưởng niệm luôn được chăm lo chu đáo vào các dịp rằm, mùng 1, lễ tết…
Ông Bùi Quốc Thuận - Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Hạ Triều cho biết: “Với chúng tôi, đây không chỉ là việc tâm linh mà trên tất cả là nghĩa tình đồng đội. Cùng chung tay với chúng tôi còn có giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn. Nhiều gia đình xung quanh đài tưởng niệm, hàng năm đều làm cỗ cúng để tưởng niệm các anh”.
Nắng đầu mùa trải dài trên những đồng lúa xanh ngát, cây cầu bắc qua sông Nhe sừng sững nối nhịp đôi bờ, nối những khát vọng của người dân. Vĩnh Lộc hôm nay luôn khắc ghi hình ảnh của những người con đất Cảng đã ngã xuống cho cuộc sống yên bình của nhân dân.