Người ta đặt câu hỏi, có hay không một sự thỏa thuận ngầm khiến tòa án phải thực hiện bằng được “cam kết treo” cho bị cáo?
“Treo” bất thành
Ngày 30/4, Công an thị xã Hồng Lĩnh đã “đột kích”, bắt quả tang một vụ đánh bạc tại nhà Phạm Đức Thảo (SN 1973, trú tại tổ 9, phường Bắc Hồng). Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Phạm Đức Thảo, Nguyễn Tiến Hải (SN 1960), Lê Xuân Trường (SN 1969), cùng trú tại xã Xuân Lam (Nghi Xuân) và Hoàng Văn Thắng (SN 1967, trú tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh). Tổng số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là 3,8 triệu đồng.
Ngày 12/8, TAND thị xã Hồng Lĩnh đưa vụ án ra xét xử. “Vận dụng” tất cả những tình tiết giảm nhẹ có thể, Hội đồng xét xử đã tuyên Phạm Đức Thảo 12 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Hải và Trường mỗi người 9 tháng tù cho hưởng án treo.
Các bị cáo (từ trái qua phải): Nguyễn Tiến Hải, Lê Xuân Trường, Phạm Đức Thảo. (Ảnh: Báo Thanh tra) |
Không đồng thuận với mức án do TAND thị xã Hồng Lĩnh đưa ra, ngày 25/8, Viện KSND thị xã Hồng Lĩnh kháng nghị theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo. Viện KSND thị xã Hồng Lĩnh cho rằng, việc tòa án cho các bị cáo hưởng án treo là chưa nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội và nhân thân của các bị cáo.
Sau khi có kháng nghị của Viện KSND thị xã Hồng Lĩnh, ngày 27/10, TAND tỉnh mở phiên xét xử phúc thẩm đối với 3 bị cáo và tuyên: Phạm Đức Thảo 12 tháng tù giam; Hải và Trường mỗi bị cáo 9 tháng tù giam. Phiên tòa phúc thẩm được dư luận đồng tình, đánh giá cao, đảm bảo trừng trị người phạm tội, đáp ứng yêu cầu giáo dục và phòng ngừa chung.
Thực hiện “cam kết ngầm”?
Bản án có hiệu lực, các bị án phải chấp hành hình phạt tù giam. Và trong khi câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm của Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh - người đứng đầu và các cá nhân liên quan chưa được sáng tỏ thì mới đây, Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh lại tiếp tục có động thái “vận dụng” sai pháp luật để tạm hoãn chấp hành hình phạt tù cho bị án Phạm Đức Thảo.
Theo quy định, ngày 10/11, Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh - Bùi Xuân Cần đã ban hành quyết định thi hành án đối với Phạm Đức Thảo, yêu cầu sau 7 ngày phải đến Công an thị xã Hồng Lĩnh để chấp hành án phạt tù (bị án đang tại ngoại). Rất nhanh, ngày 11/11, bị án Thảo đã có đơn xin tạm hoãn thi hành án bởi lý do “vợ đang điều trị tại Bệnh viện thị xã Hồng Lĩnh (vì bệnh phụ nữ), phải ở nhà chăm sóc vợ và các con”.
Chánh án Bùi Xuân Cần ký quyết định tạm hoãn thi hành án cho bị án Thảo |
Ngày 16/11, Chánh án Bùi Xuân Cần lại ký Quyết định số 01/2015/QĐ-HTHA “Tạm hoãn thi hành án” cho bị án Thảo với thời hạn 4 tháng. Lý do mà Chánh án Cần nêu lên: “Thảo là lao động duy nhất của gia đình” để áp dụng “mục 7, Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP” cho Thảo được hoãn thi hành án phạt tù.
Theo chúng tôi, đây là một quyết định khiên cưỡng, không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Vì Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP quy định rõ: Bị án được xét hoãn thi hành án phạt tù trong trường hợp là người duy nhất trong gia đình “đang lao động có thu nhập và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống (như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng..., những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động)”.
Trong khi đó, trên thực tế, các con của Phạm Đức Thảo không còn nhỏ dại (cháu lớn học lớp 10, cháu bé học lớp 6), vợ chỉ bị bệnh nhẹ và có thể tự chăm sóc. Trong trường hợp này, chỉ có thể coi bị án Thảo là lao động chính chứ không thể là “lao động duy nhất”. Điều đáng nói nữa là, ngày 16/11, khi Chánh án Bùi Xuân Cần ra quyết định tạm hoãn thi hành án cho Thảo thì cũng chính là ngày vợ Thảo xuất viện (?).
Cần xử lý trách nhiệm
Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, ông Phan Thanh Sơn - Trưởng phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự Viện KSND tỉnh cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, phòng đã kiểm tra, xác minh và phát hiện việc ra quyết định tạm hoãn chấp hành hình phạt tù của TAND thị xã Hồng Lĩnh cho bị án Phạm Đức Thảo là không có căn cứ pháp lý. Trên cơ sở đó, Viện KSND tỉnh đã có kháng nghị Quyết định số 01/2015/QĐ-HTHA, yêu cầu TAND thị xã Hồng Lĩnh hủy bỏ quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù nêu trên và ra quyết định thi hành hình phạt tù đối với người bị kết án Phạm Đức Thảo.
Vậy là một lần nữa, những sai phạm của Chánh án TAND Bùi Xuân Cần đã bị “tuýt còi”, hậu quả đã được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, điều thất thiệt lớn nhất đó là lòng tin của quần chúng nhân dân vào tòa án – nơi nhân danh nhà nước đưa ra những phán quyết pháp lý đang bị lung lay.
Do đó, hơn lúc nào hết, dư luận cần một biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng tính chất, mức độ và pháp luật của các cấp tòa án và cấp ủy, chính quyền địa phương đối với các cá nhân có liên quan để củng cố niềm tin trong nhân dân.