Châu Âu gây sức ép đòi Catalonia bỏ kế hoạch ly khai

Pháp nói nếu Catalonia ly khai, thì vùng này tự động ra khỏi EU...

chau au gay suc ep doi catalonia bo ke hoach ly khai

Người biểu tình phản đối Catalonia ly khai ở Barcelona hôm 8/10 - Ảnh: Reuters.

Thủ lĩnh ly khai của Catalonia đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ các quốc gia châu Âu đòi xứ này bỏ kế hoạch tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Đức và Pháp, hai nước đầu tàu trong Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/10 cùng tuyên bố ủng hộ một Tây Ban Nha thống nhất.

Theo tin từ Reuters, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha kể từ vụ đảo chính quân sự bất thành vào năm 1981, Chính phủ ở Madrid tuyên bố sẽ có động thái đáp trả ngay lập tức nếu Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập. Giới phân tích cho rằng, các lựa chọn của Madrid khi Catalonia ly khai bao gồm kích hoạt điều 155 Hiến pháp để giành lại một phần hoặc toàn bộ vùng này; thiết quân luật; hoặc đàm phán.

Một tuần sau cuộc trưng cầu dân ý độc lập của Catalonia, các ngân hàng và doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ xứ giàu có nhất của Tây Ban Nha này do lo ngại bất ổn chính trị. Trong ngày 9/10, có thêm ba công ty đặt trụ sở ở Catalonia tuyên bố rời đi, bao gồm tập đoàn bất động sản Inmobiliaria Colonial, công ty cơ sở hạ tầng Abertis, và công ty viễn thông Cellnex.

Bài phát biểu dự kiến vào ngày 9/10 của người đứng đầu Catalonia, ông Carles Puigdemont, trước Nghị viện vùng đã bị hoãn lại. Thay vào đó, ông Puigdemont sẽ có bài phát biểu vào chiều ngày 10/10, và Madrid lo ngại Nghị viện Catalonia sẽ tuyên bố ly khai.

Cuộc trưng cầu dân ý đã đẩy Catalonia vào tình trạng chia rẽ sâu sắc. Vào cuối tuần vừa rồi, hàng trăm nghìn người đã biểu tình ở Barcelona, thủ phủ của vùng, phản đối ly khai. Những người biểu tình nói kết quả trưng cầu dân ý không thể hiện ý chí của vùng vì hầu hết những người muốn ở lại với Tây Ban Nha đều tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Nhận được sự ủng hộ này, Phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria ngày 9/10 tuyên bố: “Tôi kêu gọi những người có lý trí trong chính quyền Catalonia không nhảy xuống vực, vì các ông sẽ mang theo người dân của mình”.

Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, nhấn mạnh sự ủng hộ đối với sự thống nhất của Tây Ban Nha, đồng thời kêu gọi Madrid đối thoại với Catalonia - phát ngôn viên của bà Merkel cho hay.

Pháp thì tuyên bố sẽ không công nhận Catalonia nếu vùng này đơn phương tuyên bố độc lập. Một Bộ trưởng Pháp nói nếu Catalonia ly khai, thì vùng này tự động ra khỏi EU.

Trong khi đó, EU không thể hiện nhiều sự quan tâm với một Catalonia độc lập, dù ông Puigdemont đã kêu gọi Brussels đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng. Châu Âu được cho là giữ im lặng về Catalonia bởi đây là một vấn đề nhạy cảm. Không chỉ Tây Ban Nha, hàng loạt nước châu Âu khác như Hà Lan, Bỉ, Italy… cũng đang phải đối mặt với phong trào ly khai.

Catalonia, xứ với 7,5 triệu dân nằm ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước này - nền kinh tế lớn thứ 5 trong EU và là một thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Để mất Catalonia là một điều khó có thể tưởng tượng đối với Chính phủ Tây Ban Nha. Sự mất mát đó sẽ khiến Tây Ban Nha mất 16% dân số, 1/5 GDP, và hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu. Bởi vậy, người dân ở các khu vực khác trên toàn Tây Ban Nha cũng phản đối mạnh việc Catalonia đòi ly khai.

Theo VnEconomy

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.