Châu Âu mở cửa biên giới trở lại trong muôn vàn nỗi lo

(Baohatinh.vn) - Động thái nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới của một loạt các quốc gia châu Âu từ 15/6 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bùng phát ổ dịch Covid-19 mới và số người tử vong ở châu Mỹ vì virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng gia tăng.

Châu Âu mở cửa biên giới trở lại trong muôn vàn nỗi lo

Pháp cho phép các nhà hàng, quán cà phê được phép hoạt động trở lại. (Ảnh: AFP)

Theo một thống kê của hãng thông tấn Pháp AFP dựa trên các số liệu chính thức, tính đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 8 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 435.000 ca tử vong vì dịch bệnh này.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng ở khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe, nơi số ca tử vong đã vượt qua con số 80.000 mà trong đó phần lớn là ở Brazil.

Iran, Ấn Độ và Saudi Arabia cũng đã báo cáo về sự gia tăng đáng lo ngại về số ca nhiễm và tử vong do virus corona chủng mới – làm sâu sắc thêm nỗi lo rằng thế giới sẽ còn phải đối mặt với một cuộc chiến dài hơi chống lại đại dịch Covid-19.

“Đã năm tháng rồi”

Khi tình hình dịch bệnh dần “hạ nhiệt”, từ hôm qua (15/6), hàng loạt quốc gia thuộc Liên minh châu Âu mở cửa lại biên giới nội khối sau nhiều tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch Covid-19. Việc làm này của chính phủ các nước nhằm cứu vãn một phần những thiệt hại về kinh tế và gây tác động đến tâm lý và cảm xúc của người dân.

Bỉ, Pháp, Đức và Hy Lạp là một trong những quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới hôm qua.

Cũng trong ngày 15/6, Tây Ban Nha đã mở cửa biên giới cho một nhóm du khách Đức trong một dự án thí điểm cho phép 10.000 du khách đi nghỉ tới quần đảo Balearic của nước này. Khách du lịch háo hức được trải nghiệm một kỳ nghỉ vào thời điểm giãn cách xã hội khi chỉ còn hai tuần nữa là Tây Ban Nha mở cửa biên giới hoàn toàn.

Liên minh châu Âu đã cho ra mắt một ứng dụng có tên “Re-open EU” (tạm dịch: Mở lại EU), có thể được xem bằng 24 ngôn ngữ, để giúp khách du lịch tìm ra các quốc gia EU nào họ có thể nhập cảnh.

Tại sân bay Zaventem ở thủ đô Brussels, Bỉ, nữ sinh viên Joy Kamel sắp sửa lên máy bay để đến Marseille, Pháp gặp bố mình.

“Đã 5 tháng rồi tôi kể từ lần tôi gặp ông ấy”, Kamel nói với AFP. “Tôi đang trong kỳ thi học kỳ nhưng vì nhà trường tổ chức thi theo hình thức trực tuyến, nên tôi có thể tận dụng quãng thời gian này để đến thăm bố”.

Còn ở Anh, các cửa hàng và điểm tham quan ngoài trời đã chào đón những vị khách đầu tiên của mình kể từ tháng 3.

Mắc dù là nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất ở châu Âu, Anh rất nóng lòng muốn mở cửa lại nền kinh tế sau khi những số liệu thống kê được công bố hồi tuần trước cho thấy nền kinh tế nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 với những chỉ số bị sụt giảm nghiêm trọng.

Bắt kịp với phần còn lại của nước Pháp, tại thủ đô Paris, các nhà hàng và quán cà phê đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 2/6, sau 11 tuần các hàng quán bị đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

“Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu khách hàng có quay trở lại không”, Albert Aidan, quản lý cửa hàng L’Ami Georges ở trung tâm Paris cho biết.

Xét nghiệm hàng loạt ở Bắc Kinh

Nhưng những nỗi lo về “làn sóng thứ hai” của dịch Covid-19 vẫn còn, và được làm sâu sắc thêm bởi những thông tin mới từ Trung Quốc.

Hôm nay (16/6), nhà chức trách Trung Quốc thông báo Bắc Kinh ghi nhận thêm 27 ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 106. Số ca nhiễm bất ngờ tăng lên sau khi Bắc Kinh ghi nhận một ca Covid-19 đầu tiên trong gần hai tháng hôm 11/6.

Hầu hết số ca nhiễm mới có liên quan tới chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, phía nam Bắc Kinh. Để kiểm soát dịch bệnh, chính quyền Bắc Kinh đã phong tỏa hơn 20 khu phố thủ đô và xét nghiệm hàng chục nghìn người.

Châu Mỹ quay cuồng

Ở khu vực Mỹ Latinh – tâm điểm mới nhất của dịch Covid-19, số ca tử vong cao đi kèm với những tin tức kinh tế đáng buồn.

Peru báo cáo nền kinh tế tháng 4/2020 suy giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Chile đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng, hai ngày sau khi Bộ trưởng Y tế Chile, ông Jaime Manalich, đệ đơn từ chức và được Tổng thống nước này chấp thuận, sau những ồn ào về chính sách chống Covid-19 do ông triển khai, vốn đang khiến số ca nhiễm tại Chile tăng cao kỷ lục. Chile hiện là tâm dịch Covid-19 lớn thứ 2 khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới bởi dịch Covid-19, với hơn 116.000 người tử vong.

Một số bang ở Mỹ đã chứng kiến những sự gia tăng mới về số ca lây nhiễm, tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ không đóng cửa nền kinh tế ngay cả khi một làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai phát sinh.

Nhịp sống quay trở lại bình thường dường như vẫn là một viễn cảnh xa vời. Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) mới đây thông báo lễ trao giải Oscar lần thứ 93 chính thức lùi lịch tổ chức 2 tháng, từ ngày 28/2/2021 sang ngày 25/4/2021.

Ban tổ chức giải bóng chày nhà nghề Mỹ (Major League Baseball – MLB) cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng mùa giải 2020 sẽ vẫn tiếp tục được khởi tranh.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm nay cũng thông báo rút lại cấp phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp đối với hai loại thuốc chữa sốt rét là hydroxychloroquine (HCQ) và chloroquine (CQ) trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những loại thuốc này không có hiệu quả trong điều trị, ngược lại có thể có những tác dụng phụ gây chết người.

Nhà xác quá tải

Iran, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19 ở khu vực Trung Đông, cảnh báo họ có thể phải áp dụng lại các biện pháp cứng rắn để đảm bảo giãn cách xã hội, sau khi báo cáo có hơn 100 ca tử vong trong ngày thứ hai liên tiếp.

Tổng số người chết do virus corona chủng mới ở Saudi Arabia cũng đã vượt mốc 1.000 trong bối cảnh các ca nhiễm mới gia tăng chỉ vài tuần trước khi cuộc hành hương hajj hàng năm đến các địa điểm linh tiêng của người Hồi giáo.

Tại Ấn Độ, các quan chức cho biết 15 triệu người dân thành phố Chennai và các quận lân cận sẽ quay trở lại tình trạng phong tỏa, vì các ca nhiễm mới gia tăng ở đây.

Sự gia tăng các ca nhiễm mới ở đất nước 1,2 tỷ dân này đã làm nổi bật tình trạng bấp bênh của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tại thủ đô Delhi, các nhà xác đang quá tải.

(Theo AFP)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.
Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Bầu cử Mỹ 2024: Sự bình lặng trước 'cơn bão'?

Thủ đô của Mỹ đang trải qua không khí bình lặng nhưng đầy căng thẳng với các biện pháp an ninh chặt chẽ nhằm phòng ngừa bạo loạn trước thềm cuộc bầu cử Mỹ. Những ký ức từ cuộc bạo loạn tại toà nhà Quốc hội vào ngày 6/1/2021 vẫn ám ảnh người dân, khiến nhiều cư dân chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. 
Bà Vanga dự đoán về vận mệnh thế giới năm 2025 như thế nào?

Bà Vanga dự đoán về vận mệnh thế giới năm 2025 như thế nào?

Khả năng tiên tri của bà Vanga vẫn chưa được giải mã, nhiều người tin rằng bà có khả năng nhìn thấu mọi sự kiện tương lai. Khả năng tiên đoán của bà Vanga đã trở thành chủ đề gây tò mò và tranh cãi, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Người Mỹ đi bầu tổng thống hôm nay

Người Mỹ đi bầu tổng thống hôm nay

Cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ diễn ra hôm nay, với khoảng 170 triệu cử tri sẽ lựa chọn giữa ông Trump và bà Harris.