Châu Âu nguy cơ “lấy đá ghè chân” khi cấm năng lượng Nga

Lãnh đạo EU hiểu rằng lệnh cấm năng lượng là đòn giáng mạnh vào Nga, nhưng không ít nước thành viên lo ngại khối đang tự gây tổn hại cho mình.

Đại diện Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/4 cho biết các nước thành viên đã không đạt được đồng thuận để áp lệnh cấm hoàn toàn dầu khí Nga, dù hiểu biện pháp này sẽ tạo áp lực rất lớn với Moskva và có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

“Vào thời điểm này, các nước trong EU không có quan điểm thống nhất về vấn đề đó”, Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, chia sẻ với tờ Die Welt của Đức.

Khi xung đột Ukraine ngày càng leo thang, các nước EU đối mặt với lựa chọn tăng áp lực lên Moskva bằng cách nhằm vào một trong những huyết mạch kinh tế của Nga: năng lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quay lưng với năng lượng Nga không phải chuyện đơn giản.

“Đó không phải là con đường dễ dàng cho châu Âu”, Samantha Gross, chuyên gia an ninh năng lượng tại Viện Brookings, cho hay. “Từ quan điểm đạo đức, họ chắc chắn muốn tránh xa dầu khí của Nga, nhưng nói thì dễ hơn làm”.

Bên ngoài một nhà máy nhiệt điện ở Gelsenkirchen, Đức hôm 8/3. Ảnh: AP.

Liên minh châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung của Nga, bên cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên và khoảng 1/4 nguồn cung dầu cho khối. Các chuyên gia cho rằng việc đảm bảo đủ nguồn thay thế cho năng lượng Nga sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí là không thể trong ngắn hạn, khi nhiều nước trong khối những năm gần đây đã dần loại bỏ năng lượng hạt nhân và than đá.

Hồi đầu tháng này, ba nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia tuyên bố ngừng ngập khẩu khí đốt Nga, đồng thời kêu gọi EU làm theo. Nhiều nước EU, trong đó có Pháp, Phần Lan, Bồ Đào Nha, ủng hộ các biện pháp mạnh tay với năng lượng Nga.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố Paris có thể “sẵn sàng đi xa hơn và quyết định cấm dầu Nga”. So với các nền kinh tế lớn khác của châu Âu, Pháp không phụ thuộc nhiều vào khí đốt và dầu mỏ Nga. Thị phần khí đốt Nga ở Pháp chỉ chiếm 25%, khi Na Uy mới là nhà cung cấp hàng đầu của nước này với thị phần 35%.

Thủ tướng Phần Lan tháng này bày tỏ mong muốn “loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga”, nói rằng nhập khẩu năng lượng Nga là “tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine”.

Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu khác phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung của Moskva, như Đức và Áo, nhấn mạnh rằng sẽ không thể đoạn tuyệt lập tức với năng lượng Nga. Năm ngoái, khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên và than đá, cùng hơn 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Đức đến từ Nga, trong khi 80% lượng khí đốt của Áo được nhập từ Nga.

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức đang nỗ lực cắt giảm nguồn dầu của Nga trong năm nay. Một quan chức Đức cho rằng về lý thuyết, Berlin có thể thực hiện được lệnh cấm dầu Nga, nhưng có lẽ phải đợi tới cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.

Ông Scholz cảnh báo việc cắt giảm đột ngột năng lượng Nga sẽ đẩy “toàn bộ châu Âu vào suy thoái”.

Một số quốc gia như Bỉ và Hungary cũng từ chối những lời kêu gọi cấm vận hoàn toàn năng lượng Nga.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo kêu gọi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn để gây sức ép với Điện Kremlin. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi năng lượng và chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng không kêu gọi cấm vận.

“Chúng ta không nên lấy đá ghè chân mình”, ông De Croo nói tại hội nghị thượng đỉnh Brussels hôm 25/3. “Các biện pháp trừng phạt phải luôn có tác động lớn hơn nhiều với Nga hơn là phía chúng ta”.

Ủy ban châu Âu hồi cuối tháng 3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn thoát phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027. EU sau đó cũng công bố gói trừng phạt mới nhất chống lại Nga, trong đó loại bỏ hoàn toàn mua than đá của Moskva từ tháng 8.

Tuy nhiên, EU chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với dầu và khí đốt, hai mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nga. Nguồn thu khổng lồ từ dầu và khí đốt đã giúp Nga giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế và tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách chính phủ.

Ben McWilliams, nhà phân tích tại viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels, cho biết EU đã nhập khẩu khoảng 800 triệu euro (870 triệu USD) năng lượng Nga mỗi ngày vào tháng 11 năm ngoái, trong đó có 400 triệu euro khí đốt, 380 triệu euro dầu và 20 triệu euro than đá. Liên minh châu Âu đã trả 35 tỷ euro cho năng lượng Nga kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo ông Josep Borrell.

EU đã cam kết đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo để loại bỏ nhập khẩu dầu khí Nga. Họ cũng đã thảo luận với các nhà sản xuất dầu khí Trung Đông trong những tuần gần đây để tăng sản lượng khai thác và chuyển hướng cung cấp năng lượng sang châu Âu.

Mỹ cũng hứa hẹn chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu để giúp giảm bớt phụ thuộc năng lượng Nga, đồng thời đặt mục tiêu chuyển 50 tỷ mét khối LNG tới châu Âu trong những năm tới, chiếm 1/3 lượng khí mà EU nhận từ Nga.

Tuy nhiên, việc ông Borrell thừa nhận EU không đạt được thỏa thuận về lệnh cấm năng lượng Nga cho thấy thực tế khó khăn hơn nhiều. Thái độ phản đối lệnh cấm dầu khí Nga phần nào phản ánh nỗi lo ngại của chính phủ các nước EU về phản ứng của cử tri đối với chi phí năng lượng cao, khi giá nhiên liệu và điện tăng mạnh kể từ khi xung đột quân sự Ukraine nổ ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên một đường ống dẫn khí đốt tại Vladivostok, Nga vào năm 2011. Ảnh: AFP.

Alfred Kammer, người phụ trách khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo châu Âu có thể chỉ chống đỡ được 6 tháng nếu không có nguồn cung năng lượng ổn định từ Nga. Quan chức IMF dự báo ngoài khung thời gian trên, các quốc gia châu Âu sẽ phải chịu tác động kinh tế nặng nề khi không có nguồn cung cấp đáng tin cậy với giá rẻ.

“Trong 6 tháng đầu tiên, châu Âu có thể đối phó nhờ nguồn cung thay thế và kho dự trữ bổ sung. Tuy nhiên, cho đến mùa đông, lệnh cấm sẽ dẫn đến những tác động đáng kể”, ông nói.

Lệnh cấm khí đốt Nga có thể khiến EU thiệt hại ít nhất 3% GDP, tùy thuộc vào mức độ khắc nghiệt của mùa đông, theo Kammer. Ông khuyến nghị các nước phụ thuộc khí đốt Nga trong khu vực phải tìm kiếm nhà cung cấp thay thế và có hàng loạt biện pháp khác nhằm giảm tác động đối với nền kinh tế.

Giới quan sát cho rằng lệnh cấm dầu khí chắc chắn sẽ là đòn giáng nặng đối với kinh tế Nga, bởi châu Âu là thị trường khổng lồ mà Moskva khó có thể tìm được bên thay thế ngay lập tức.

Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Âu sẽ phải đối mặt một câu hỏi lớn khi cân nhắc lệnh cấm năng lượng Nga. “Nếu chúng ta cấm dầu khí Nga, nó sẽ tác động nặng nề hơn với Nga, hay với chính các nền kinh tế EU?”, một nhà ngoại giao cấp cao ở Trung Âu nói.

Theo Thanh Tâm/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói