Cháy lớn tại nhà thờ cổ của Pháp

(Baohatinh.vn) - Nhà thờ Saint Pierre và Saint Paul – công trình được xây dựng từ thế kỷ 15 ở thành phố Nantes, phía Tây nước Pháp xảy ra hỏa hoạn lớn hôm 18/7, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cháy lớn tại nhà thờ cổ của Pháp

Nhân viên cứu hoả chữa cháy tại nhà thờ Saint Pierre và Saint Paul tại Nantes, Pháp, hôm 18/7. (Ảnh: Reuters)

Saint Pierre và Saint Paul là một nhà thờ công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic nằm ở thành phố Nantes.

Công tố viên Pierre Sennes cho biết ba đám cháy khác nhau được phát hiện tại nhà thờ. Nhà chức trách đang điều tra vụ việc theo hướng hành vi phá hoại. Ông Sennes không cung cấp thêm chi tiết về nghi vấn này.

Laurent Ferlay – người đứng đầu lực lượng cứu hỏa địa phương cho biết có 104 lính cứu hỏa vẫn đang làm việc tại hiện trường. Ngọn lửa hiện tại đã được kiểm soát sau vài giờ bùng phát. Tuy nhiên khói vẫn bốc ra từ bên trong thánh đường.

Vụ việc xảy ra chỉ hơn 1 năm sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris hồi tháng 4/2019, phá hủy tòa tháp chính của công trình này.

Giới chức địa phương cho hay đàn đại phong cầm trong nhà thờ đã bị phá hủy và bệ của nó có thể sụp đổ, song khẳng định thiệt hại của vụ hỏa hoạn không thể so sánh với vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris năm ngoái. “Ngọn lửa chưa bén đến phần mái của nhà thờ”, ông Ferlay cho biết.

Đây không phải lần đầu tiên nhà thờ Saint Pierre và Saint Paul bị cháy. Nhà thờ cũng đã từng bị phá hủy một phần trong Chiến tranh Thế giới thứ hai vào năm 1944 do bị trúng bom.

Năm 1972, một vụ hỏa hoạn đã thiêu trụi toàn bộ phần mái nhà thờ và phải mất 13 năm sau đó, công trình này mới được phục dựng lại.

(Theo Reuters)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.