Đến thời điểm hiện tại, các loại chế phẩm sinh học do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh triển khai đã góp phần tăng năng suất cho cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Qua 4 năm triển khai đề án ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Đến thời điểm hiện tại, các loại chế phẩm sinh học như Hatimic, emic, biora… do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh nghiên cứu, sản xuất đã thực sự góp phần mang lại năng suất cho cây trồng, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Chế phẩm sinh học Hatimic là tập hợp các vi sinh vật hữu ích phân giải nhanh các chất hữu cơ làm phân bón, hạn chế mùi hôi. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ chế phẩm Hatimic đã được sử dụng để bón cho lúa, lạc, các loại rau màu khác và cho thấy kết quả tốt. Kết quả cho thấy sử dụng phân hữu cơ vi sinh có thể thay thế được toàn bộ phân chuồng, tiết kiệm được từ 15 - 20% phân hóa học mà vẫn đạt được năng suất tương đương hoặc cao hơn từ 5-10%.
Chế phẩm Hatimic giúp gia đình chị Phan Thị Sáu xử lý được tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi gà.
Chị Phan Thị Sáu (thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà) chia sẻ, trước đây, dù gia đình chỉ chăn nuôi với quy mô nhỏ nhưng vẫn bị hôi thối, ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, khi biết đến Hatimic, chúng tôi nuôi đến hơn 1.000 con gà mà môi trường vẫn sạch, hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, chế phẩm còn có thể làm phân bón, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế.
Trong những năm qua, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh còn chú trọng nghiên cứu sản xuất chế phẩm nấm cộng sinh mycorrhiza. Qua đối chứng việc sử dụng và không sử dụng chế phẩm cho thấy sự khác biệt rõ ràng. Việc áp dụng chế phẩm đã kích thích phát triển bộ rễ, tăng hấp thu chất dinh dưỡng và đặc biệt là nâng cao sức chống chịu của cây trồng với các điều kiện bất lợi từ môi trường, thời tiết...
Theo kỹ sư Võ Tá Tài, cây giống sử dụng chế phẩm mycorrhiza cho thấy gốc to, rễ nhiều, sức bật mầm, độ vươn cành, mầm ghép tốt hơn nhiều lần.
Kỹ sư Võ Tá Tài - Cơ sở bảo tồn nhân giống bưởi Phúc Trạch, Hương Khê cho hay, sau 2 năm thử nghiệm, sản phẩm mycorrhiza cho kết quả tốt. Với cây giống sử dụng chế phẩm cho thấy gốc to, rễ nhiều, sức bật mầm, độ vươn cành, mầm ghép cũng tốt hơn nhiều lần; bộ lá dày, xanh…
Qua quan sát bằng mắt thường có thể thấy bộ rễ của cây giống sử dụng chế phẩm mycorrhiza (bầu cây bên trái) phát triển mạnh hơn so với cây đối chứng.
Bằng nguồn ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ, cùng với việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình của trung ương và địa phương, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện nhiều dự án sản xuất thử nghiệm để chuyển giao và nhân rộng cho người dân và doanh nghiệp. Các đề tài đã bám sát tình hình thực tế và nhu cầu của người dân, mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất cũng như đời sống.
Bên cạnh Hatimic, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh cũng đã triển khai nghiên cứu thành công công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, hạn chế mùi hôi tại các bãi rác bằng chế phẩm sinh học Emic. Đơn cử như tại bãi rác Phượng Thành, qua sử dụng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc khử mùi hôi, phân hủy rác thành chất hữu cơ, tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh.. góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, kết quả ứng dụng công nghệ sinh học đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, nông thôn, y tế, môi trường… Có thể khẳng định, các chế phẩm sinh học đã tham gia vào việc giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp với bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững.