Chỉ giao một cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý nợ công

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (16/6), Quốc hội thảo luận dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận

Theo đại biểu, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, Chính phủ, Quốc hội giữ nguyên quy định như hiện hành tại Luật Quản lý nợ công 2009 về nhiệm vụ của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, nhằm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan này là chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ nợ công.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đàm phán, ký kết các hiệp định khung, thống nhất vận động, điều phối, quản lý vốn vay ODA và vay ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước đàm phán, ký kết các hiệp định vay ODA với các tổ chức tài chính quốc tế. Bộ Tài chính đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cụ thể, trừ các thỏa thuận vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước chủ trì. Do vậy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công. Quy định như dự án Luật chưa phù hợp với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 07/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững là phải bảo đảm tập trung thống nhất trong quản lý về nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn”.

Nếu vẫn giữ mô hình quản lý như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra trong quản lý nợ công. Thực tế, nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập. "Thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh các Luật có liên quan cho phù hợp".

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đồng ý với ý kiến không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước. Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất cần làm rõ hai vấn đề ở đây:

Thứ nhất, việc không trả được nợ nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.

Thứ hai, việc quy định không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, theo thông lệ quốc tế, ngân hàng trung ương là độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức của chính phủ, theo đó các khoản vay của ngân hàng trung ương không kết cấu trong nợ của chính phủ. Ở Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước nằm trong hệ thống Chính phủ, cũng cần xem xét và cân nhắc vậy không tính thì có hợp lý hay không và như vậy chủ thể đích thực của các NHNN và DNNN là ai? Theo định nghĩa về khu vực công, Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước thuộc khu vực công, như vậy, nợ của họ Nhà nước phải trả.

Về Điều 45: Người bảo lãnh, cơ quan cấp bảo lãnh và đối tượng được xét cấp bảo lãnh của Chính phủ, khoản 4 quy định: “Đối tượng được xét cấp bảo lãnh CP là DN có dự án đầu tư, ngân hàng chính sách nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách được xét cấp bảo lãnh CP”. Phạm vi đối tượng được cấp xét bảo lãnh như quy định là quá rộng, nếu các đối tượng được bảo lãnh không trả nợ được thì Chính phủ phải là người phải trả nợ thay (theo nguyên tắc về bảo lãnh), mẫu thuẫn với các quy định trên.

Đại biểu đề xuất cần thu hẹp các đối tượng được bảo lãnh và các chương trình, dự án được xét cấp bảo lãnh. Các dự án đó phải là các dự án trọng yếu, cấp bách, mang tầm quốc gia. Và các doanh nghiệp được bảo lãnh cũng cần phải quy định rõ về năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh trong những năm trước đó, kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói