Chỉ số CPI trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong quý I/2021 dự ước tăng 0,43% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ như: giáo dục tăng 15,14%; đồ uống, thuốc lá tăng 2,55%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,97%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,36%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,44%.
Theo phân tích của ngành chuyên môn, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng lên cao trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu là những nguyên nhân chính làm CPI trong quý I tăng.
Nhu cầu tiêu dùng của người dân trong quý I tăng cao do trùng với thời điểm của tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là mức tăng khá ổn định, không có đột biến lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội như các tháng đầu năm 2020.
Chỉ số CPI tháng 4/2021 tại Hà Tĩnh dự kiến sẽ tiếp tục tăng do yếu tố thời tiết thay đổi khiến các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng mùa hè như thực phẩm hoa quả, đồ uống, nước sinh hoạt, điện, hàng điện lạnh, dịch vụ bảo dưỡng,... tăng giá.
Các mặt hàng như xăng dầu, thép, gas, điện,… tiếp tục được điều chỉnh tăng gây áp lực lên việc điều hành giá và kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, các mặt hàng như xăng dầu, thép, gas,… tiếp tục được điều chỉnh tăng sẽ gây áp lực lên việc điều hành giá và kiềm chế lạm phát. Hơn nữa, dịch Covid-19 trong nước đang ổn định, dịch vụ du lịch lữ hành và cho thuê phòng nghỉ tại các điểm du lịch biển trong tỉnh dự kiến sẽ “hút” khách khi mùa hè tới.
Vì thế, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Trong đó, các ngành, đơn vị liên quan chủ động theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao để có giải pháp phù hợp.