Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng trở lại trong tháng 9

(Baohatinh.vn) - Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 9 khi đạt 52,2 điểm so với 45,7 điểm của tháng 8.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hà Tĩnh)

Đó là nội dung trong thông cáo ra hôm nay (1/10) của IHS Markit – công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số PMI, một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất.

Theo IHS Markit, kết quả chỉ số PMI tháng 9 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện lần đầu trong ba tháng, và đây là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 7/2019.

Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy việc kiểm soát đại dịch Covid-19 của Việt Nam là nhân tố chủ chốt giúp hỗ trợ cải thiện các điều kiện kinh doanh, sau khi số ca nhiễm bệnh tăng lên trong kỳ báo cáo trước.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Sau khi tăng số lượng ca nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, lĩnh vực sản xuất đã bị trệch khỏi hướng hồi phục trong tháng 8, kết quả chỉ số PMI tháng 9 đã tích cực hơn nhiều. Với khả năng kiểm soát đại dịch được duy trì trở lại, các công ty đã có số lượng đơn đặt hàng mới tăng, từ đó tăng sản lượng và tâm lý lạc quan là cao nhất trong hơn một năm”.

“Tuy nhiên, việc duy trì xu hướng tích cực còn phụ thuộc vào việc số ca nhiễm virus sẽ không tăng trở lại. Một diễn biến mới trong kỳ khảo sát gần đây là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, và đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nhu cầu quốc tế đã hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi của khu vực sản xuất”, ông Harker nói thêm.

Ở cấp độ quốc gia, trong tất cả 7 quốc gia ASEAN được IHS Markit khảo sát chỉ số PMI, Myanmar cho đến nay đã có mức suy giảm đáng kể nhất của các điều kiện kinh doanh. Chỉ số toàn phần đã giảm về gần mức thấp kỷ lục là 35,9 trong tháng 9 cho thấy kết quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất đã yếu đi đáng kể trong bối cảnh các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn.

Indonesia cũng tiếp tục suy giảm sau khi đã cải thiện nhẹ các điều kiện kinh doanh trong tháng 8. Chỉ số toàn phần (47,2) cho thấy mức suy giảm nhẹ hơn nhiều so với thời điểm đỉnh dịch, nhưng đây vẫn là mức giảm mạnh.

Ở những nơi khác, tình trạng suy giảm được ghi nhận ở Singapore và Malaysia. Ở Singapore, mức suy giảm các điều kiện kinh doanh là nhẹ nhất kể từ tháng 1 và về tổng thể là giảm nhẹ (chỉ số đạt 48 điểm). Tuy nhiên, các nhà sản xuất Malaysia ghi nhận tốc độ giảm nhanh hơn một chút khi chỉ số toàn phần giảm thành mức thấp của bốn tháng là 49 điểm.

Trong khi đó, các điều kiện hầu như ổn định ở cả Thái Lan và Philippines. Chỉ số toàn phần đạt mức quanh 50 điểm, với kết quả lần lượt là 49,9 và 50,1 điểm.

Cuối cùng, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 có mức cải thiện điều kiện hoạt động lần đầu tiên trong ba tháng. Hơn nữa, chỉ số toàn phần (52,2) là cao nhất kể từ tháng 7/2019 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện nhẹ.

(Theo IHS Markit)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói