Chỉ số PMI của Việt Nam đạt kết quả 51,1 trong tháng 6. (Ảnh minh họa)
Đó là nội dung trong thông cáo ra hôm nay (1/7) của IHS Markit – công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất.
Hoạt động mua hàng cũng tăng, nhưng việc làm tiếp tục giảm. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng lần đầu tiên trong ba tháng, nhưng giá cả đầu ra giảm nhẹ.
Chỉ số PMI của Việt Nam đạt kết quả 51,1 trong tháng 6 so với 42,7 trong tháng 5 và nằm trên ngưỡng trung tính 50 điểm lần đầu tiên trong năm tháng. Kết quả chỉ số thể hiện tình trạng tiếp tục phục hồi kể từ khi PMI đạt mức thấp kỷ lục vào tháng 4.
Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Lĩnh vực sản xuất Việt Nam trong tháng 6 đã tăng trưởng trở lại nhờ việc Covid-19 được kiểm soát và kéo theo đó là nhu cầu khách hàng ở Việt Nam đã cải thiện. Rào cản lớn nhất cho việc phục hồi mạnh mẽ dường như là kết quả hoạt động của nền kinh tế thế giới khi ảnh hưởng của virus vẫn đang lan rộng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm, trong khi các công ty tiếp tục nêu khó khăn trong việc mua hàng hóa đầu vào từ nước ngoài”.
“Hơn nữa, Covid-19 có vẻ như đã ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế những tháng gần đây. IHS Markit mới đây dự báo GDP chỉ tăng 1% trong năm 2020, tức là giảm rất mạnh so với 7% được ghi nhận trong năm 2019”, ông Harker nói thêm.
Ở cấp độ quốc gia, trong tất cả 7 quốc gia ASEAN được IHS Markit khảo sát chỉ số PMI, chỉ có 2 quốc gia có sự cải thiện về các điều kiện hoạt động trong tháng 6 đó là Việt Nam và Malaysia.
Các nhà sản xuất Malaysia báo cáo lần cải thiện sức khỏe lĩnh vực sản xuất đầu tiên kể từ tháng 9/2018. Với kết quả 51 điểm trong tháng 6, chỉ số toàn phần cũng cho thấy một mức tăng nhẹ.
Philippines trong tháng 6 có tháng suy giảm các điều kiện sản xuất thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số toàn phần (49,7) chỉ cho thấy mức suy giảm nhẹ.
Myanmar cũng có các điều kiện sản xuất yếu kém hơn với chỉ số toàn phần (48,7) nằm dưới ngưỡng trung tính 50 điểm tháng thứ năm liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ giảm là chậm nhất kể từ tháng 2 và chỉ là mức giảm nhẹ.
Cùng lúc đó, tình trạng suy giảm của lĩnh vực sản xuất Thái Lan vẫn tiếp diễn với chỉ số toàn phần (43,5) cho thấy mức suy giảm đáng kể mặc dù đã tăng so với tháng 5.
Tương tự, Indonesia tiếp tục có các điều kiện suy giảm, mặc dù tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể so với kỳ khảo sát trước, với chỉ số toàn phần tăng lên 39,1.
Cuối cùng, các điều kiện hoạt động ở Singapore cũng suy giảm, và tình trạng giảm là đáng kể nhất trong toàn bộ các quốc gia khảo sát. Chỉ số toàn phần (38,8) cho thấy mức suy giảm mạnh, mặc dù đây đã là mức tăng 12,4 điểm so với tháng 5.