Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong tháng 8

(Baohatinh.vn) - Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm mạnh từ 47,6 điểm của tháng 7 về 45,7 điểm trong tháng 8.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong tháng 8

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam sụt giảm trong tháng thứ hai liên tiếp sau khi đã tăng trở lại trong tháng 6. (Ảnh minh họa)

Đó là nội dung trong thông cáo ra hôm nay (1/9) của IHS Markit – công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất.

Theo IHS Markit, kết quả chỉ số PMI tháng 8 của Việt Nam cho thấy sự sụt giảm trong tháng thứ hai liên tiếp sau khi đã tăng trở lại trong tháng 6. Mặc dù vẫn ở mức đáng kể, mức suy giảm các điều kiện kinh doanh vẫn ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tháng tồi tệ nhất do ảnh hưởng của Covid-19 là tháng 4.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Dữ liệu PMI mới nhất của Việt Nam cho thấy những ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 với lĩnh vực sản xuất và những thách thức gặp phải trong việc cố gắng vượt qua chúng”.

“Nhu cầu khách hàng vẫn yếu nên các công ty đã giảm sản lượng tương ứng. Bức tranh về việc làm là đặc biệt đáng lo ngại khi tỷ lệ mất việc là cao thứ nhì trong thời gian chín năm rưỡi thu thập dữ liệu. Các công ty vẫn hy vọng virus có thể lại được kiểm soát để sự phục hồi có được trong tháng 6 có thể tiếp tục diễn ra”, ông Harker nói thêm.

Ở cấp độ quốc gia, trong tất cả 7 quốc gia ASEAN được IHS Markit khảo sát chỉ số PMI, chỉ hai quốc gia có cải thiện về các điều kiện kinh doanh tổng thể trong tháng 8.

Chỉ số toàn phần của Myanmar (53,2) là cao nhất trong 15 tháng và cho thấy sự cải thiện nhẹ của các điều kiện kinh doanh, với sự thúc đẩy của tốc độ tăng nhanh nhất của sản lượng kể từ tháng 4/2018. Indonesia là quốc gia khác có tăng trưởng, nhưng chỉ số PMI toàn phần (50,8) chỉ cho thấy mức độ tăng vừa phải.

Ở những nơi khác, Malaysia lại ghi nhận suy giảm sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Sau khi đạt ngưỡng trung tính 50 điểm trong kỳ trước, chỉ số toàn phần tương ứng đã giảm còn 49,3 trong tháng 8 cho thấy mức suy giảm nhẹ. Trong khi đó, suy thoái tiếp tục diễn ra ở Thái Lan, mặc dù kết quả chỉ số toàn phần (49,7) phản ánh tốc độ suy giảm chậm nhất kể từ tháng 1.

Ngược lại, cả Philippines và Việt Nam đều có mức giảm các điều kiện kinh doanh mạnh hơn trong tháng 8. Với kết quả tương ứng là 47,3 và 45,7, cả hai kết quả đều phản ánh mức suy giảm nhanh nhất kể từ tháng 5.

Cuối cùng, Singapore vẫn nằm cuối bảng xếp hạng PMI của ASEAN. Chỉ số PMI toàn phần tăng so với tháng 7, nhưng với kết quả 43 điểm trong tháng 8, là mức thấp nhất trong số bảy quốc gia khảo sát và cho thấy các điều kiện sản xuất tiếp tục suy giảm đáng kể.

(Theo IHS Markit)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.