Từ lâu nay, khi Hà Tĩnh phải gánh chịu nhiều hậu quả do thiên tai, Nhân dân cả nước luôn hướng về Hà Tĩnh, hướng về “khúc ruột” miền Trung. Lần này, khi các tỉnh, thành phố của miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ lụt các tổ chức đoàn thể, đơn vị, người dân Hà Tĩnh đã cùng chung tay, ủng hộ vật chất và động viên tinh thần để giúp đồng bào vùng lũ sớm vượt qua khó khăn.
Ngay sau lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, ngày 11/9, các ban Đảng Tỉnh ủy; Cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh; Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh; cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành phố… đã đồng loạt phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng thiên tai với số tiền ủng hộ tối thiểu một ngày lương.
Tính đến thời điểm trưa ngày 12/9, ban cứu trợ các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng của gần 50 tổ chức, cá nhân.
Cùng với các cấp chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh, cán bộ và Nhân dân huyện Vũ Quang đã sớm hưởng ứng và tham gia quyên góp, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai ở miền Bắc . Ông Trần Bình Lâm - Chủ tịch MTTQ huyện Vũ Quang cho biết: “Chỉ trong sáng ngày 11/9, huyện Vũ Quang đã quyên góp được 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chuyển vào Quỹ Cứu trợ của tỉnh để gửi đến đồng bào miền Bắc chịu ảnh hưởng của thiên tai. Trong những ngày tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện việc quyên góp, giúp đỡ Nhân dân miền Bắc, trọng tâm là ủng hộ tiền mặt và các nhu yếu phẩm thiết yếu để góp phần giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn”.
Tại xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân), với tinh thần tương thân tương ái, trong ngày 11/9, Ủy ban MTTQ xã đã vận động các tổ chức thành viên cùng đóng góp nguyên liệu và tham gia chế biến cá khô rim lạc để gửi tới đồng bào miền Bắc đang gặp khó khăn do bão số 3.
Ông Bùi Phi Long - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) cho biết: “Chỉ trong một ngày phát động, chúng tôi đã nhận được 4,5 tạ cá cơm khô, hơn 1,5 tạ lạc cùng các loại gia vị và hộp đựng từ bà con nhân dân. Ngay sau đó, Ủy ban MTTQ xã cùng các tổ chức thành viên và người dân đã cùng nhau chế biến cá khô rim lạc để gửi tới bà con miền Bắc. Ngoài hỗ trợ thực phẩm, cán bộ, Nhân dân trong toàn xã cũng đã ủng hộ được hơn 130 triệu đồng để gửi tới người dân đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt”.
Cũng với tinh thần đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân... huyện Thạch Hà cũng đã ủng hộ nhiều phần quà ý nghĩa dành cho đồng bào vùng lũ. Trong ngày 11/9, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan (thôn Nam Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà) cùng các cán bộ, người dân địa phương đã ủng hộ 260 túi cá tép rim lạc cho người dân miền Bắc thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Cũng trong ngày 11/9, 200 suất thuốc không kê đơn đã được nhà thuốc Thủy Hà (thị trấn Thạch Hà) ủng hộ người dân vùng lũ. Số thuốc này được Hội Chữ thập đỏ huyện Thạch Hà tiếp nhận và sẽ chuyển đến người dân vùng lũ trong thời gian sớm nhất.
Trong nguy khó càng thấy rõ tinh thần đoàn kết, yêu thương và sẻ chia của đồng bào cả nước nói riêng và người dân Hà Tĩnh nói chung. Việc ủng hộ tinh thần, vật chất đã nhanh chóng, trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy vậy, hiện nay, hoạt động thiện nguyện có tính tự phát vẫn còn tồn tại một số bất cập nhất định. Một số đoàn thiện nguyện do không nắm được đặc điểm của các địa phương gặp thiên tai và chưa thông qua cơ quan chức năng để được hướng dẫn nên dẫn đến trùng lặp, chồng chéo khi nơi được nhận quá nhiều, nơi lại quá ít. Thế nên, các đoàn thiện nguyện khi gửi hỗ trợ nên tới các điểm tiếp nhận ủng hộ của MTTQ các cấp, các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Qua đó, những món quà sẽ được tiếp nhận và điều phối hợp lý, khoa học.
Một thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều đoàn thiện nguyện đã tự tổ chức chở nhu yếu phẩm vào tận vùng lũ trao tặng cho người dân bị ảnh hưởng. Biết rằng, việc cứu trợ khẩn cấp đối với bà con trong khó khăn hoạn nạn là điều hết sức cần thiết, nhưng để đảm bảo an toàn trước tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, quá trình thực hiện cứu trợ, các đoàn thiện nguyện cần tìm hiểu kỹ đường đi, đồng thời, liên hệ trước cho chính quyền các tỉnh để nhận được sự chỉ dẫn kịp thời.
Ngoài ra, trên các kênh báo chí và diễn đàn mạng xã hội hiện nay cũng đã lan tỏa nhiều ý kiến chia sẻ thông tin, kinh nghiệm khi gửi quà cứu trợ. Đặc biệt là những thông tin về các loại nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng lũ như: thực phẩm khô, thuốc không kê đơn, sản phẩm vệ sinh, đồ bảo hộ… được chia sẻ rộng rãi. Đó cũng là những thông tin hữu ích để các đoàn thiện nguyện tham khảo trong quá trình triển khai các hoạt động quyên góp để những phần quà ủng hộ thực sự đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho bà con vùng lũ, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát.
Mỗi hoạt động từ thiện hỗ trợ người dân vùng lũ đều rất đáng trân trọng và được khuyến khích. Các hoạt động này thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu thương, sẻ chia của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu sự ủng hộ được thực hiện đúng cách, đúng chỗ, đúng người, phù hợp với từng thời điểm và có kế hoạch hợp lý thì càng có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện mục tiêu giúp bà con vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết cuộc sống. Vì vậy, mọi sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, người dân trên địa bàn toàn tỉnh… nên thông qua MTTQ các cấp, các đoàn thể, chính quyền địa phương để công tác cứu trợ được điều phối hợp lý nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ.