Khi Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cầu Treo đảm nhận “sứ mệnh” chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng có nghĩa là ở nơi đó, những “chiến sỹ áo trắng” đang thực sự bước vào cuộc chiến vì sức khỏe cộng đồng. Trong cuộc chiến đó, họ đang nỗ lực chăm sóc, chữa trị cho người bệnh bằng tất cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm.
.....
Đêm 30/4, đang trong kỳ nghỉ lễ, nhưng toàn bộ y, bác sỹ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa khu vực CKQT Cầu Treo bước vào cuộc huy động tổng lực cho một chiến dịch mới. 3 ca bệnh dương tính đầu tiên của đợt dịch thứ 4 được chuyển đến bệnh viện để điều trị vào lúc 3h sáng; 3 trường hợp tiếp xúc gần đồng thời được chuyển đến để cách ly, theo dõi sức khỏe.
Tình huống khẩn cấp nhưng tất cả đã nằm trong kịch bản. Vì vậy, sau những phút giây chững lại trong lo lắng, chút mềm lòng khi nghĩ tới gia đình, gần 50 cán bộ, nhân viên ở bệnh viện tuyến đầu này đã cùng chung một ý chí, dồn toàn tâm sức cho nhiệm vụ chống dịch.
Chuẩn bị sẵn sàng đón bệnh nhân trong đêm.
Bác sỹ Nguyễn Công Tâm - Trưởng khoa Khám bệnh chia sẻ: “Mặc dù mọi thứ đều sẵn sàng, nhưng tôi vẫn hồi hộp và có chút lo lắng. Xác định phải ở lại bệnh viện lâu dài, tôi gọi điện về động viên mẹ già 80 tuổi, 2 con và vợ để sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Còn nhớ, năm 2020, khi dịch bùng phát, tôi là người đầu tiên nhận lệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 với gần 2 tháng xa gia đình, cách ly và tập trung điều trị cho 6 bệnh nhân dương tính, đồng thời theo dõi 28 ca F1. Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tiếp cận, chăm sóc, điều trị những bệnh nhân đặc biệt giúp tôi tự tin bắt tay vào nhiệm vụ mới”.
Phun hóa chất từ khi xe đưa bệnh nhân đến cho đến khi xe lăn bánh ra về.
Từ thực tế điều trị, bác sỹ Tâm đã có những sáng kiến đảm bảo an toàn phòng dịch cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. Một trong số đó là sắm thêm đôi ủng cho mỗi người rồi đặt thêm các chậu cloramin B trên đường vào, ra khu khám bệnh để nhúng khử khuẩn thường xuyên trên đường đi lại. Đôi ủng dày và rộng đã hạn chế được việc bị rách, mòn khi di chuyển và giúp người sử dụng có thể dùng chân tháo nó nhằm tránh cho đôi tay tiếp xúc với các vật dụng trung gian trong khu vực khám bệnh. Bác sỹ Tâm cho hay, cùng với áp dụng quy trình khám, chữa bệnh chặt chẽ theo đúng phác đồ, không lơ là, chủ quan trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi xác định một yêu cầu quan trọng không kém đó là phải cẩn trọng trong từng thao tác, tuyệt đối không để bệnh từ F0 lây sang cán bộ y tế, tăng nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Các bác sỹ thăm khám cho bệnh nhi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 10 /5 (ảnh trái). Bác sĩ Dương Quốc Chung kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đang điều trị tại bệnh viện (ảnh phải).
Với bác sỹ trẻ mới vào nghề như anh Dương Quốc Chung thì lần chữa bệnh cho những người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 này cũng là lúc con trai anh sắp tròn 1 năm tuổi. Năm ngoái, khi nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, vợ của anh sắp sinh cháu thứ 2 và lòng người bác sỹ trẻ luôn canh cánh nỗi lo cho vợ ngày vượt cạn. Giờ đây, bé đã bi bô tập nói, tối nào cũng cùng mẹ gặp bố qua những cuộc gọi zalo đã tiếp thêm động lực cho anh sớm hoàn thành nhiệm vụ.
“Cùng cảnh con nhỏ nên lúc mới nghe tin đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con nhỏ chuẩn bị nhập viện điều trị Covid-19, tôi thấy thương cháu bé vô cùng. Lúc mới vào, bé bị ho nên quấy khóc, nhiều đêm nghe tiếng khóc của cháu, tôi không ngủ được, lại mở điện thoại gọi hỏi thăm và hướng dẫn bố mẹ chăm sóc cháu. Giờ thì bé đã ổn định sức khỏe, đôi vợ chồng trẻ cũng yên tâm, lạc quan hơn để cùng hợp tác, điều trị” - bác sỹ Chung chia sẻ.
Tất bật thăm khám cho bệnh nhân dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực CKQT Cầu Treo và bữa cơm vội của các y bác sỹ tại đây.
Được biết, 7 bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa khu vực CKQT Cầu Treo đều được huy động, chia làm 3 ca chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Các anh cho biết, lo nhất là đợt dịch này vi-rút biến thể phức tạp, khó lường; số lượng các ca bệnh dương tính nhiều hơn các đợt trước, vì vậy, việc theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và điều trị những triệu chứng cho bệnh nhân không cho phép một phút lơ là. Với tất cả kiến thức, kinh nghiệm và sự tự tin của mình, các bác sỹ đã xử lý tốt các tình huống, vận hành trôi chảy phác đồ điều trị.
Trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, đội ngũ điều dưỡng, hộ lý là những người tiếp xúc nhiều và đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn. Trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thực hiện y lệnh của bác sỹ, hằng ngày, các điều dưỡng phải có mặt ở phòng cách ly, mặc bộ quần áo bảo hộ 7 món kín mít hàng giờ đồng hồ giữa thời tiết nóng nực. Thế nhưng, họ đã nỗ lực thích nghi với môi trường làm việc, phục vụ, chăm sóc bệnh nhân với trách nhiệm cao nhất.
Điều dưỡng Võ Thị Hồng Thoa bộc bạch: “Đây là lần thứ hai tôi tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Qua tiếp xúc, tôi đều đọc được ở họ tâm lý e ngại, có người cảm giác rất cô đơn khi điều trị bệnh mà không có người thân bên cạnh. Chia sẻ với bệnh nhân, chúng tôi luôn xem họ là bạn, là người nhà để chăm sóc, hướng dẫn họ thực hiện tốt các phác đồ điều trị, sớm vượt qua bệnh tật”.
Hộ lý Nguyễn Thị Hồng Lê mang bộ đồ 7 món vệ sinh khu vực cách ly, điều trị của bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Làm bạn với bệnh nhân Covid-19 nơi bệnh viện vùng cửa khẩu xa xôi còn có những nhân viên hộ lý với công việc lặng thầm nhưng hết sức đặc biệt. Dọn rác, thay đồ, giặt là toàn bộ chăn, ga, gối; xử lý rác thải của bệnh nhân và vệ sinh trong, ngoài khu điều trị ở nơi chữa trị căn bệnh nguy hiểm là công việc đòi hỏi sự chịu khó và hy sinh rất lớn. Chỉ sơ sểnh một chút trong cả núi công việc hằng ngày thì dịch bệnh rất có thể lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng.
Hộ lý Nguyễn Thị Hồng Lê chia sẻ: “Để phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tôi đã thực hiện các thao tác hết sức cẩn thận theo đúng quy định của Bộ Y tế. Quần áo, chăn, ga, gối của bệnh nhân được giặt sạch nhiều lần, phơi chỗ nhiều nắng, nếu trời mưa là phải sấy thật khô. Rác thải phải bao gói cẩn thận, xử lý đúng quy trình nhằm tránh lây nhiễm. Công việc dù vất vả, nhưng đặt hoàn cảnh của mình vào bệnh nhân Covid-19 và xem mỗi việc làm dù rất nhỏ của người hộ lý cũng là một viên gạch xây nên pháo đài chống dịch, nỗi mệt nhọc của chúng tôi cũng được xoa dịu. Để động viên bệnh nhân lạc quan chiến đấu với dịch bệnh, dù không bày tỏ được qua lời nói, nụ cười nhưng bằng những cử chỉ phục vụ nhẹ nhàng, thiện cảm, chúng tôi biết mình đang tạo thêm sức mạnh tinh thần để họ sớm chiến thắng bệnh tật, đoàn tụ với gia đình”.
“Tổng tư lệnh” trên lĩnh vực điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sỹ Nguyễn Khắc Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực CKQT Cầu Treo cho biết, bệnh viện có 48 cán bộ, trong đó có 7 bác sỹ, hơn 20 điều dưỡng. Trong “chiến dịch” này, ngoài những người có con nhỏ, người đang mang thai hoặc có bệnh nền được bố trí ở vòng ngoài để thực hiện các nhiệm vụ hậu cần, hành chính, còn lại lực lượng tinh nhuệ nhất đã vào vòng trong triển khai nhịp nhàng quy trình, phác đồ điều trị bệnh nhân gắn với triển khai kỹ lưỡng công tác phòng dịch. Đến nay, sức khỏe của 8 bệnh nhân và 1 trường hợp F1 đều tiến triển tốt, người bệnh yên tâm điều trị.
.....
“Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, nhất là nguy cơ rất lớn từ nguồn dịch bệnh của các bệnh viện tuyến trung ương, chúng tôi thường xuyên động viên anh em luôn cảnh giác cao độ với mọi tình huống, tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế và quyết tâm cao trong việc chăm sóc, điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Mặc dù thường xuyên đối mặt với vất vả, hiểm nguy nhưng chúng tôi biết, ngoài kia cả cộng đồng đều đang hướng về tuyến đầu chống dịch. Tin rằng, những nỗ lực, hy sinh của các “chiến sỹ áo trắng” sẽ góp phần cùng cả hệ thống chính trị tỉnh nhà sớm đẩy lùi dịch bệnh” - bác sỹ Thành gửi gắm.
thiết kế: huy tùng