Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh: Chính quyền điện tử phải có “công dân điện tử”, “cán bộ, công chức 4.0”

(Baohatinh.vn) - Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của nhiệm kỳ tới. Bên thềm xuân mới, Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành đã có những chia sẻ với Báo Hà Tĩnh.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh: Chính quyền điện tử phải có “công dân điện tử”, “cán bộ, công chức 4.0”

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Công Thành: "Muốn xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số thì phải có “công dân điện tử” “công dân số”, “cán bộ, công chức 4.0”

- Xin ông cho biết những yếu tố cốt lõi của chính quyền điện tử, chính quyền số mà cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đã và đang tập trung xây dựng?

Ông Nguyễn Công Thành: Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ đã có 2 nghị quyết về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trên cơ sở đó, tỉnh ta cũng xác định rõ định hướng, lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số với một số nội dung cốt lõi: xây dựng đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước bảo đảm sẵn sàng cho mọi hoạt động tác nghiệp, quản lý và chỉ đạo, điều hành trực tuyến trên môi trường mạng.

Ứng dụng đồng bộ các phần mềm quản lý chuyên ngành, điều hành tác nghiệp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong toàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý nhà nước và sự hài lòng của người dân. Công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, khai thác thông tin trên môi trường mạng; từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung… Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giám sát, kiểm tra và báo cáo thống kê, góp phần nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ ra quyết định của người lãnh đạo.

- Vậy, ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong xây dựng chính quyền điện tử ở tỉnh ta thời gian qua?

Ông Nguyễn Công Thành: Sau nhiều năm thực hiện khá bài bản các giải pháp, cơ sở hạ tầng CNTT trên địa bàn tỉnh từng bước được đồng bộ, hiện đại hóa. Đến nay, Hà Tĩnh đã ứng dụng đồng bộ hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, tác nghiệp và chỉ đạo, điều hành trong toàn tỉnh; đồng bộ hệ thống cung cấp DVCTT từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong đó, 100% thủ tục hành chính (TTHC) đã triển khai DVCTT mức độ 1 và 2; gần 50% TTHC được triển khai DVCTT mức độ 3 và 4.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh: Chính quyền điện tử phải có “công dân điện tử”, “cán bộ, công chức 4.0”

Đến nay, Hà Tĩnh có 100% thủ tục hành chính đã triển khai DVCTT mức độ 1 và 2; gần 50% thủ tục hành chính được triển khai DVCTT mức độ 3 và 4.

Năm 2020, toàn tỉnh có 29,1% hồ sơ phát sinh qua DVCTT mức độ 3 và 4 (tăng 9,1% so với năm 2019); 100% hồ sơ TTHC được cập nhật, quản lý trên cổng thông tin DVCTT của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.hatinh.gov.vn/.

Việc công khai, minh bạch thông tin hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng đã thực hiện rộng rãi. Tất cả các sở, ngành đều đã có CSDL quản lý chuyên ngành. Hiện nay, tỉnh đang triển khai đầu tư hạ tầng, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để kết nối liên thông các CSDL, hình thành các CSDL dùng chung và CSDL mở của tỉnh.

- Hiện đại hóa nền hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số là nhiệm vụ rất nặng nề. Bên cạnh kết quả đạt được, đâu là những trăn trở, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thành: Có thể nói, những nỗ lực, kết quả đạt được của Hà Tĩnh là rất ấn tượng. Tuy vậy, so với yêu cầu thực tiễn, công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn vẫn còn không ít tồn tại, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh: Chính quyền điện tử phải có “công dân điện tử”, “cán bộ, công chức 4.0”

Việc xây dựng chính quyền điện tử đang còn nhiều vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.

Đó là: hệ thống quy phạm pháp luật quản lý và chính sách thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử, DVCTT vẫn còn bất cập, chưa hoàn chỉnh. Chưa phát triển được các hệ thống CSDL dùng chung, đặc biệt là CSDL quản lý hồ sơ giải quyết TTHC nên chưa phát huy hiệu quả tối đa DVCTT.

Cùng đó, nhân lực trực tiếp làm công tác tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn quá mỏng, công nghệ phát triển nhanh nên chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn lực tài chính của tỉnh đầu tư cho lĩnh vực CNTT còn hạn chế, phân tán…

- Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số được Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định là một trong những đột phá chiến lược. Ông có thể chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm được ngành đặt ra thời gian tới?

Ông Nguyễn Công Thành: Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số - về bản chất là ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động tác nghiệp, quản lý và chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, khai thác thông tin và giao dịch với chính quyền trên môi trường mạng.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh: Chính quyền điện tử phải có “công dân điện tử”, “cán bộ, công chức 4.0”

Ngành TT&TT tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên sâu cho đội ngũ chuyên trách CNTT.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Sở TT&TT đang tập trung xây dựng, tham mưu cho tỉnh các chủ trương, chính sách căn cơ và có tính chiến lược, đột phá như: Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh về chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số; kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0; nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu LGSP, các quy định và tổ chức liên thông, đồng bộ các CSDL của các ngành; các chương trình, chính sách về ứng dụng CNTT...

Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, các ngành, địa phương nhằm lồng ghép, gắn chặt quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số với cải cách hành chính; thực hiện các giải pháp căn cơ hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp, khai thác DVCTT mức độ 4; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp số hóa hồ sơ 1 lần, được khai thác sử dụng trọn đời…

Một vấn đề hết sức căn cốt cả trước mắt lẫn lâu dài là: Muốn xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số thì phải có “công dân điện tử”, “công dân số”, “cán bộ, công chức 4.0”.

Bởi vậy, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên sâu cho đội ngũ chuyên trách CNTT để làm hạt nhân; kịp thời trang bị kiến thức, kỹ năng, thói quen ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã, cấp huyện; đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số từ công sở, chính quyền các cấp đến cộng đồng người dân, doanh nghiệp… để tất cả hòa chung vào dòng chảy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

(thực hiện)

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast