Ngày mai, lãnh đạo Chính phủ và 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn

Theo chương trình, phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khoá XIV sẽ bắt đầu từ ngày 15/11 và kéo dài trong 2,5 ngày làm việc. 4 Bộ trưởng: Nội vụ - Lê Vĩnh Tân, Công Thương – Trần Tuấn Anh, Tài nguyên và Môi trường – Trần Hồng Hà, Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ sẽ đăng đàn. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ khác cũng sẽ trực tiếp trả lời và giải trình thêm các nội dung mà đại biểu Quốc hội đặt ra trên nghị trường.

ngay mai lanh dao chinh phu va 4 bo truong tra loi chat van

Bốn vấn đề bức xúc

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn đưa ra tại phiên chất vấn đã đáp ứng được sự quan tâm, tính bức xúc trong lĩnh vực mà thực tế đời sống người dân đang đối mặt và các Bộ trưởng, trưởng ngành phải có trách nhiệm trả lời.

Theo đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau), những nhóm vấn đề lần này Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ khá toàn diện và cần được bàn thảo cho đến cùng nếu có thời gian. “Đầu tư công, các công trình dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” đặc biệt được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có tôi. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng vậy, các công trình dự án nào đang có nguy cơ gây ô nhiễm? Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm vấn đề chất lượng giáo dục, phân luồng học sinh, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Rồi vấn đề cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, tính toán thế nào cho hiệu quả, tinh gọn. Đây đều là những vấn đề bức xúc nhất hiện nay” – ông Hoàng nói.

Đề cập nội dung tinh giản biên chế, công tác cán bộ, ông Nguyễn Thái Học đánh giá: Cuộc chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ tập trung vào tổ chức, cán bộ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tìm giải pháp, tạo ra sự quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị để làm cho bộ máy tinh gọn, năng động, sáng tạo.

Đại biểu Vũ Trọng Kim thì khẳng định, để bảo đảm nhà nước kiến tạo, có trách nhiệm với dân, phục vụ người dân và liêm chính thì dứt khoát phải quan tâm vấn đề con người. “Nói luật pháp hay nói quy chế, quy định gì đi nữa, nhưng nếu con người đã méo mó rồi thì những cái kia chẳng là cái gì cả” – ông Kim nhấn mạnh và mong rằng sắp tới sẽ xem xét đánh giá cán bộ kịp thời để đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí phê bình kịp thời, giám sát lẫn nhau.

Thẳng thắn, trách nhiệm, không né tránh

Đại biểu Nguyễn Thái Học kỳ vọng, không khí của phiên chất vấn phải là phiên tranh luận, đối thoại. Các Bộ trưởng với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm nêu rõ thực trạng tình hình, chỉ ra khó khăn, thuận lợi và chiều hướng sắp tới trong từng nội dung, lĩnh vực. Còn đại biểu Quốc hội cũng không né tránh, không sợ va chạm để nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, chất vấn không phải là vấn đề đánh đố, nói sai phạm của ngành này, ngành kia mà là nêu những vấn đề xã hội để cùng mổ xẻ, phân tích, tìm ra giải pháp.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng tuy 2/3 đại biểu lần đầu tham gia nghị trường nhưng qua các phiên thảo luận cho thấy không khí sôi nổi, chất lượng cao. Vấn đề còn lại là nội dung được nêu lên. “Người dân theo dõi không chỉ giám sát các thành viên Chính phủ mà giám sát ngay chính đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ đại biểu Quốc hội ý thức điều đó vì hỏi cũng thể hiện năng lực, mang lại tín nhiệm từ người dân với mình chứ không chỉ là câu chuyện thuần tuý ở cơ quan hành pháp. Riêng tôi thì chọn chất vấn đi vào những vấn đề hết sức đơn giản của đời sống, tạo ra sự thay đổi trong nhận thức, không đánh đố Bộ trưởng” – đại biểu Dương Trung Quốc cho biết.

ngay mai lanh dao chinh phu va 4 bo truong tra loi chat van

Các tân Bộ trưởng trả lời những nội dung mới

Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 11/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các Bộ trưởng: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tiễn phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tập hợp lại 16 nhóm vấn đề. Sau đó Tổng Thư ký Quốc hội làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn 11 vấn đề báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 5 vấn đề.

Ngày 10/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 vấn đề để trên cơ sở đó đưa ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới. 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ... sẽ do các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn.

Sau khi các Bộ trưởng trả lời, các Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực cũng sẽ trả lời làm rõ thêm các nội dung liên quan. Thủ tướng Chính phủ sẽ là người trả lời cuối cùng những nhóm vấn đề lớn của các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành trong 2,5 ngày (từ 15/11 đến 17/11).

Thông tin về điểm mới trong hoạt động chất vấn lần này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tổng kết kinh nghiệm trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn 5 năm qua, Kỳ họp lần này cơ bản vẫn được thực hiện như trước.

Theo đó, hai Kỳ họp giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp đối với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Các phiên họp đầu năm và cuối năm sẽ theo thông lệ chọn nhóm vấn đề, chọn các Bộ trưởng để trả lời chất vấn.

Đây cũng là lần đầu tiên thành viên Chính phủ trả lời tại nhiệm kỳ này, trong đó có nhiều tân Bộ trưởng. Các nhóm vấn đề được chọn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ này về cơ bản đều là nội dung mới, vì vậy, Quốc hội sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Thời gian đặt câu hỏi của các đại biểu vẫn trong khoảng thời gian 2 phút, vì vậy, các đại biểu Quốc hội sẽ đi thẳng vào vấn đề, tập trung đặt câu hỏi vào những nội dung chính.

Giơ biển tranh luận, nêu ý kiến, đặt câu hỏi đến cùng

Bên cạnh đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ có các đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận. Đây là hoạt động đổi mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tại các phiên thảo luận và chất vấn, các đại biểu Quốc hội đều có thể giơ biển tranh luận. Điều này giúp cho các đại biểu có thể nêu ý kiến, đặt câu hỏi đến cùng, để các thành viên Chính phủ làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Đây là điểm tốt cần phát huy trong thời gian tới.

Làm rõ thêm về các nội dung sẽ được chất vấn tại kỳ họp lần này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Đối với lĩnh vực Công Thương, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến nguyên nhân, trách nhiệm thực hiện và biện pháp xử lý đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai, gây lãng phí, hoang hóa; việc bán hàng đa cấp cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh thiệt hại cho người dân; tổ chức mạng lưới bán lẻ trong điều kiện hội nhập; việc quản lý, chống hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực việc thực hiện chính sách pháp luật trong xử lý môi trường trong các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; quản lý xử lý về ô nhiễm môi trường và giải pháp thích ứng với ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.

Liên quan đến lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu Quốc hội muốn tập trung làm rõ việc thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo và chương trình sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội trong thời gian qua; việc thực hiện Nghị quyết 37/2004/QH11 của Quốc hội về tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực; công tác quản lý chất lượng giáo dục đào tạo Đại học, nhất là các trường Đại học do địa phương quản lý, gắn với quy hoạch về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có nền giáo dục hiệu quả; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.

Trong lĩnh vực Nội vụ, các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đến việc tinh giản bộ máy biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; việc thực hiện Đề án vị trí việc làm, cải cách tiền lương, nâng cao hiệu quả thi hành công vụ, cải thiện chỉ số hài lòng của người dân đối với hoạt động trong đánh giá chế độ công vụ, công chức và đổi mới quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast