Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 15/6, Quốc hội khóa XV tiến hành biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Chiều 15/6, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó

Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Quốc hội biểu quyết riêng nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, khen thưởng thành tích kháng chiến. Với tỷ lệ 85,14% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có 8 chương và 98 điều, quy định cụ thể những quy định chung; tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định khen thưởng, trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; thủ tục, hồ sơ xét đề nghị danh hiệu thi đua và khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể trong thi đua, khen thưởng; quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; xử lý vi phạm; điều khoản thi hành.

Việc sửa đổi, bổ sung luật đã kế thừa đầy đủ những ưu điểm của luật hiện hành; nội dung sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng; đồng thời thực hiện phân cấp về thẩm quyền việc khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cấp cơ sở nhằm giải quyết các hạn chế trong tổ chức phong trào thi đua; trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

Luật đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng. Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, bảo đảm khen thưởng chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; quan tâm khen thưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật sẽ góp phần tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị, để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương và của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Đại biểu ấn nút tán thành thông qua các dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) (ảnh: tienphong.vn)

Khuyến khích hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và biểu quyết chính thức thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với tỷ lệ 90,16% đại biểu Quốc hội tán thành.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) có bố cục 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Luật quy định chung về nguyên tắc của hoạt động điện ảnh; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; phát triển công nghiệp điện ảnh; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh; đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.

Về sản xuất phim, luật quy định quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim, các thành viên trong đoàn làm phim; trường quay; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Về phát hành phim, luật quy định quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phát hành phim; trao đổi, bán, cho thuê phim; xuất khẩu phim, nhập khẩu phim.

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia biểu quyết thông qua dự án luật.

Luật quy định về phổ biến phim gồm: quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim; phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình, trên không gian mạng, tại địa điểm công cộng, phục vụ nhiệm vụ chính trị,...; quảng cáo về phim, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim; cấp giấy phép phân loại phim, thay đổi, thu hồi giấy phép; dừng phổ biến phim; hội đồng thẩm định và phân loại phim.

Về quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh và Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, đây là chương mới so với Luật Điện ảnh hiện hành. Theo đó quy định về nội dung quảng bá, xúc tiến điện ảnh; Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội; liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề; giải thưởng phim, cuộc thi phim; chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài; phim tham gia liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim nước ngoài; thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam; việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Luật cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh, điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast