UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường thanh kiểm tra hoạt động công vụ

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký văn bản về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong những năm qua, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ, đồng thời đưa ra các biện pháp chấn chỉnh hoạt động công vụ và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường thanh kiểm tra hoạt động công vụ

Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy vậy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định; còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong thực thi công vụ bị xử lý.

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động công vụ, để kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động công vụ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg; triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương, Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chánh Thanh tra tỉnh tham mưu việc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra. Hằng năm, khi tham mưu xây dựng kế hoạch thanh tra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ.

Thủ trưởng các cơ quan thanh tra tăng cường công tác quản lý, tham mưu triển khai các cuộc thanh tra hoạt động công vụ theo đúng quy định pháp luật về thanh tra. Đồng thời, tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu chỉ đạo tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra công vụ trong toàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc theo dõi việc kiểm tra hoạt động công vụ của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã; hằng năm tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị, địa phương; chủ động rà soát, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ, nhất là về đánh giá, nhận xét việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác, khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thi hành công vụ.

Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra công vụ; trên cơ sở định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm, chỉ đạo cơ quan trực thuộc xây dựng kế hoạch công vụ vào kế hoạch thanh tra hằng năm (thực hiện thanh tra ít nhất 1 đơn vị, phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc/năm). Đồng thời, tập trung kiểm tra hoạt động công vụ của các đơn vị trực thuộc, nhất là tập trung vào những hoạt động công vụ dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ, tập trung rà soát, tham mưu, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ...

UBND tỉnh đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, các ban HĐND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát liên quan đến hoạt động công vụ; chức trách của người đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, phối hợp UBND tỉnh trong chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nội dung trên, đặc biệt là trong việc phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm.

Đề nghị HĐND các cấp, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tăng cường giám sát hoạt động công vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.