Theo văn bản về việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính vừa được UBND tỉnh ban hành, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính Nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Cán bộ, công chức cần làm việc tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm cụ thể.
Thực hiện Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; Kết luận số 29-KL/TU ngày 22/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt nghiêm túc Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý để nâng cao nhận thức, tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất; làm việc tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, khoa học, tạo ra sản phẩm cụ thể; phát huy tính tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, nhuần nhuyễn trong công việc, có quan điểm, chính kiến rõ đối với những nội dung mới, nội dung khó. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc; phân công nhiệm vụ rõ ràng và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả quy chế làm việc của UBND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của bộ, cơ quan, địa phương.
Chủ động, tích cực tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao; tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Kịp thời rà soát, quyết định hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền thay thế, điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục rà soát, khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc của cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền theo sát tình hình thực tế; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, đảm bảo các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”. Trực tiếp, chủ động tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ được giao bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.
Trong quá trình phối hợp để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, chỉ lấy ý kiến các cơ quan liên quan trực tiếp đến đề án, dự án..., không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng hạn, đúng chức năng, nhiệm vụ, có quan điểm, trách nhiệm rõ ràng, không trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.
Tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc.
Quyết tâm, quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện; thường xuyên rà soát, kiểm tra các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đang thực hiện. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp; không để đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính để phát hiện, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Phát huy hiệu quả các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chủ động, tích cực tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của người dân, doanh nghiệp; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, tuyệt đối không được đùn đẩy, lòng vòng, né tránh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh; rà soát, tham mưu thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Trung ương; tham mưu ban hành các quy định quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền, trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể, đánh giá lượng hóa được; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá làm căn cứ trong bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; tổng hợp, báo cáo hoặc tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả thực hiện Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 29-KL/TU ngày 22/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn tỉnh theo quy định...