Chuyển đổi số để xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững

Để đáp ứng các mục tiêu về bao phủ an sinh xã hội, những thay đổi nhân khẩu học và thị trường lao động đòi hỏi các tổ chức an sinh xã hội phải chuyển đổi số một cách linh hoạt trong thực hiện các quy trình nghiệp vụ, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH).

Chuyển đổi số để xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững

Chuyển đổi số đã tạo nhiều thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT

Ngày 30-31/3, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng “Nền tảng số, dữ liệu số để thúc đẩy dịch vụ công trên môi trường số”.

Các đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số gồm: Kinh nghiệm ứng dụng nền tảng số, công nghệ số để thúc đẩy dịch vụ công và hệ thống giám định BHYT của BHXH Việt Nam; hiện trạng chuyển đổi số tại Lào, Campuchia và Myanmar; kiến tạo dịch vụ công bền vững của Tập đoàn SAP; môi trường số hỗ trợ dịch vụ công của Microsoft Việt Nam; lộ trình hướng tới hệ thống thông tin bảo trợ xã hội tích hợp của WB…

Dữ liệu số là nền tảng quan trọng nhất

Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững thì dữ liệu số là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất.

Trong đó, việc phát triển được các cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng như cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số của các cơ quan an sinh xã hội nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia nói chung.

Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng nền tảng số, công nghệ số để thúc đẩy dịch vụ công, đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và DN toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Hiện nay, 100% dịch vụ công thuộc 25 thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trước đây được gọi là dịch vụ công mức độ 4).

Cung cấp dịch vụ công trên nhiều nền tảng, hình thức: Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST...

Năm 2022, toàn ngành đã tiếp nhận trên 96 triệu hồ sơ giao dịch điện tử thông qua hệ thống giao dịch điện tử (chiếm khoảng 86% tổng số hồ sơ cả trực tuyến và trực tiếp). Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có 19,6 triệu hồ sơ giao dịch điện tử được tiếp nhận và xử lý.

Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã triển khai các dịch vụ thanh toán trực tuyến như: Gia hạn thẻ BHYT theo Hộ gia đình; đóng tiếp BHXH tự nguyện; đóng BHXH, BHYT bắt buộc. Từ đầu năm 2022, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06), BHXH Việt Nam cũng đã triển khai, hoàn thiện một số dịch vụ công theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân khi thực hiện giao dịch trên cơ sở kết nối, khai thác, xác thực thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư…

Để có được những thành công này, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, có 5 bài học kinh nghiệm cần chú trọng, gồm: Cần có sự quyết tâm cao của các cấp Lãnh đạo, đặc biệt là của người đứng đầu để làm sao bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức, thói quen cán bộ, người dân, DN thành hành động và kết quả cụ thể để người dân, DN được hưởng thụ. Xây dựng và giao các chỉ tiêu cụ thể, đo đếm được gắn với lộ trình thực hiện, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên.

Lựa chọn những thủ tục hành chính, dịch vụ công nào có số đông người tham gia, có sự ảnh hưởng lan tỏa, hiệu quả dễ làm trước, vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm.

Ưu tiên tập trung xây dựng, làm giàu dữ liệu đúng với yêu cầu, tạo nền tảng để khai thác, triển khai các hoạt động nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, cần phải có sự đồng bộ trong các hoạt động đầu tư cả hạ tầng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Chuyển đổi số linh hoạt

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh, để đáp ứng các mục tiêu về bao phủ an sinh xã hội, những thay đổi nhân khẩu học và thị trường lao động đòi hỏi các tổ chức an sinh xã hội phải chuyển đổi số một cách linh hoạt các quy trình nghiệp vụ của mình.

“Trong bối cảnh này, các nền tảng công nghệ thông tin mới, phức tạp và có tính liên kết có thể hỗ trợ các tổ chức an sinh xã hội xây dựng và phát triển các chiến lược cải cách sáng tạo. Các tổ chức an sinh xã hội đã coi chuyển đổi số như một chiến lược phát triển trọng tâm. Chiến lược này liên quan đến những thay đổi trong sự tương tác giữa công nghệ và nguồn nhân lực trong các quy trình quản trị và kinh doanh” - Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhận định.

Chuyển đổi số để xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh: Các tổ chức an sinh xã hội đã coi chuyển đổi số như một chiến lược phát triển trọng tâm - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cho biết, những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT của ngành theo định hưởng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.

Toàn ngành đang có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu của 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với trên 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, hơn 620.000 tổ chức, doanh nghiệp và các bộ, ngành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ các thủ tục hành chính của ngành, mỗi năm, hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch điện tử. Đến nay, cũng đã có khoảng 30 triệu người dân đăng ký sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số…

Cùng với đó, thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ trong đó quy định BHXH Việt Nam là đơn vị chủ quản của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (đây là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, được Chính phủ ưu tiên triển khai) BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ban hành danh mục dữ liệu mở, sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Chính phủ.

“BHXH Việt Nam mong muốn cùng các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý về triển khai chuyển đổi số nói chung, cụ thể là xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cùng học hỏi cũng như có cái nhìn tổng quát hơn, có cơ hội để nhìn nhận lại những gì đã và đang làm trong hoạt động chuyển đổi số của mình” - Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh chia sẻ.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast