Để chính sách đối với người có công với cách mạng được thực thi

Cuối năm 2012, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số chính sách đối với người có công với cách mạng. Những chính sách này sẽ được tỉnh Hà Tĩnh triển khai cho các đối tượng trong thời gian tới. Để bạn đọc rõ hơn về những điều chỉnh này, PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông Võ Xuân Linh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

- Xin ông cho biết những điểm mới cơ bản trong Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13?

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung lần này có các nội dung mới, cơ bản như: Anh hùng Lao động thành Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến. Đối tượng được công nhận liệt sỹ, bổ sung thêm 3 trường hợp gồm: hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; hy sinh khi trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ QPAN có tính chất nguy hiểm; mất tin, mất tích trong các trường hợp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc tế, đấu tranh chống tội phạm.

Pháp lệnh cũng bổ sung 2 trường hợp mới được công nhận thương binh: người trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ QPAN có tính chất nguy hiểm. Với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, theo pháp lệnh cũ được hưởng trợ cấp 1 lần, nay được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Pháp lệnh mới bổ sung chế độ điều dưỡng mỗi năm 1 lần đối với cha đẻ, mẹ đẻ có 1 con duy nhất là liệt sỹ; cha, mẹ đẻ có 2 con là liệt sỹ trở lên; bổ sung chế độ điều dưỡng luân phiên từ 5 năm 1 lần xuống 2 năm 1 lần đối với các đối tượng còn lại. Chế độ trợ cấp tuất hàng tháng được quy định có 3 mức trợ cấp tiền tuất khác nhau đối với thân nhân của 1 liệt sỹ, thân nhân của 2 liệt sỹ và thân nhân của 3 liệt sỹ trở lên. Đồng thời, nếu các thân nhân này là người không nơi nương tựa và hoàn cảnh khó khăn thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

Pháp lệnh mở rộng chế độ BHYT đối với thân nhân của người có công gồm: con của liệt sỹ không thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 16-18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945...

- Thưa ông, quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng được điều chỉnh như thế nào?

- Trong năm 2013, Pháp lệnh 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng đồng thời sẽ được triển khai. Theo đó, những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: Có 2 con trở lên là liệt sỹ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Ông cho biết thêm về những sửa đổi trong Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ tháng 5/2013?

- Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ 1/5/2013, có một số điểm mới đáng chú ý: lần đầu tiên quy định vấn đề cho thuê lao động chính thức được công nhận tại Việt Nam. Ngoài ra, Bộ luật sửa đổi còn quy định người lao động được nghỉ 10 ngày/năm hưởng nguyên lương, trong đó tết âm lịch được nghỉ 5 ngày, tăng 1 ngày so với luật đang hiện hành. Quy định thời gian nghỉ thai sản dành cho lao động nữ, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Tuy nhiên, Bộ luật cũng cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đối với một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.

- Để các chính sách mới đối với người có công với cách mạng được thực thi kịp thời, đúng đối tượng. Xin ông cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong thời gian tới?

Thực hiện Pháp lệnh 04, Pháp lệnh 05, Nghị định 31 của Chính phủ về chính sách ưu đãi người có công, toàn tỉnh sẽ có 12 nhóm, dự kiến tăng 40.164 đối tượng. Để thực hiện tốt chính sách, trước mắt cần tiến hành rà soát các nhóm đối tượng người có công. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, phải hoàn thành trong năm 2013. Do vậy, các địa phương cần tập trung tiến hành thống kê, rà soát con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đưa nội dung đào tạo nghề cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng thành chỉ tiêu cụ thể trong xây dựng và triển khai đề án, kế hoạch 5 năm và hàng năm về đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, chúng ta phải xây dựng kế hoạch, dự kiến nguồn kinh phí để thực hiện chính sách người có công hàng năm, ngoài nguồn ngân sách trung ương, cần có kế hoạch huy động, lồng ghép, bố trí thêm nguồn kinh phí để thực hiện; tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các văn bản, chính sách mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách LĐ-TB&XH của 262 xã, phường, thị trấn. Ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung triển khai các chính sách mới, với mục tiêu đưa đối tượng tiếp cận với những chính sách này trong thời gian sớm nhất, không để xảy ra sai sót, bỏ sót đối tượng.

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast