Tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ ở mức bao nhiêu?

Dự kiến ngày mai (7/8), Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 3 để chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ là bao nhiêu, liệu có phải trong khoảng 5% đến 8%?

tang luong toi thieu vung nam 2018 se o muc bao nhieu

May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt May Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 28/7, Tổng Liên đoàn lao động (TLĐTĐ), đại diện cho người lao động đã lùi mức đề xuất từ 13,3% xuống 8%; còn đại diện giới chủ gồm nhiều các hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã đã thống nhất mức tăng 5%.

Như vậy, mức chênh lệch tăng lương tối thiểu vùng giữa các bên chỉ còn 3% và mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 dự kiến sẽ chốt vào ngày 7/8.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), nguyên Chủ tịch hội đồng tiền lương Quốc gia từ năm 2015-2016, cho rằng: Mức tăng lương tối thiểu năm 2018 chỉ nên ở mức 5-6%. Mức tăng này thực tế duy trì mức lương thực tế hiện nay cho người lao động, có bù tỷ lệ trượt giá. Thực tế trong 3 năm gần đây, mức tăng lương tối thiểu vùng ở mức khá cao và đã đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu khoảng 90%.

Mong muốn tăng lương là nhu cầu chính đáng của người lao động, tuy nhiên phải căn cứ trên khả năng của doanh nghiệp. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sản phẩm gia công, giá trị thấp, nên tăng lương tối thiểu sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị tác động lớn về tăng lương tối thiểu là các doanh nghiệp da giày, dệt may, thủy sản.

“Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng quỹ lương và chi phí đóng BHXH của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cân đối các khoảng chi phí đào vào và có lợi nhuận. Nếu không hài hòa được các lợi ích, thì doanh nghiệp hoặc sẽ phạm luật hoặc sẽ phải sa thải bớt người lao động hoặc đổi mới quản trị, khoa học kỹ thuật để cân đối sản xuất. Do đó, để giữ sức cho doanh nghiệp và cải thiện một phần đời sống lao động chỉ nên tăng 5-6%”, ông Phạm Minh Huân phân tích.

Cũng theo ông Huân, sau đợt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Chính phủ nên có sự đánh giá tổng thể 5 hoặc 10 năm tăng lương tối thiểu vùng liên tục để có cái nhìn tổng thể và cũng là căn cứ để sửa Luật lao động, trong đó có chương về lương tối thiểu. Nếu mức tăng trung bình lương tối thiểu cao hơn các chỉ số khách như GDP hay CPI thì cần có cách tính hợp lý hơn về tăng lương tối thiểu vùng.

Theo các chuyên gia lao động, thực tế, tăng lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống cho lao động khu vực khó khăn, phần nhiều ở các khu công nghiệp làm công việc thủ công, không đòi hỏi nhiều về tay nghề.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng: Mức tăng lương tối thiểu vùng chỉ nên ở mức 5% vì doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn, thị trường đầu ra cho các sản phẩm hạn chế. Vấn đề quan trọng khác là sự minh bạch trong hưởng lương trên cơ sở năng lực thực sự và hiệu quả của người lao động.

Còn ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động) cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng để tiệm cận với mức sống tối thiểu, đồng thời phải tạo điều kiện các doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ, quản trị để nâng cao hiệu quả sản xuất.

“Bộ Luật Lao động đã nêu rõ các tiêu chí xác định lương tối thiểu gồm: Nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế xã hội và mặt bằng tiền công trên thị trường. Việc tăng lương tối thiểu vùng hài hòa giữa lợi ích quốc gia trong vấn đề tạo việc làm, điều kiện doanh nghiệp, mức sống người lao động… Tất cả các yếu tố đó sẽ được cân nhắc sao cho tìm ra phương án phù hợp nhất”, ông Phạm Minh Huân cho biết.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast