Cần ban hành các chính sách phù hợp để nền điện ảnh Việt Nam phát triển

(Baohatinh.vn) - Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thống nhất với mục tiêu: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần hài hòa giữa công tác quản lý Nhà nước và hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Chiều 28/10, đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng và tại các tỉnh, thành đã tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Cần ban hành các chính sách phù hợp để nền điện ảnh Việt Nam phát triển

Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhất là đường lối xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đáp ứng yêu cầu hội nhập điện ảnh và chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đặt vấn đề: hiện nay, vấn đề thương mại hóa trong phim khá rõ. Vì vậy, cần có giải pháp để hài hòa để vừa giữ được lượng người xem vừa đảm bảo tính định hướng, lưu giữ các bản sắc văn hóa.

Xoay quanh nội dung sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (theo quy định tại khoản 4, Điều 15), đại biểu cho rằng nên lựa chọn phương án “giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu” (đối với phim có các nội dung khác).

Bên cạnh đó, cần cân nhắc kỹ việc phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn (Điều 24) đảm bảo tính thiết thực so với nhu cầu.

Cần ban hành các chính sách phù hợp để nền điện ảnh Việt Nam phát triển

Hầu hết các ý kiến đề nghị bổ sung yêu cầu đưa ra khuyến cáo đối với việc quảng cáo trong phim để phù hợp với thuần phong mỹ tục và nội dung theo luật định; cần phân loại rõ phim được quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim hoặc chọn quảng cáo nội dung phù hợp. Đối với các phim lịch sử, phim về danh nhân cách quảng cáo nên đưa vào chân trang phim.

Nhà nước nên đầu tư kinh phí, tâm huyết để sản xuất các bộ phim lịch sử bởi thời gian qua, có rất ít bộ phim thực sự đúng tầm.

Cần ban hành các chính sách phù hợp để nền điện ảnh Việt Nam phát triển

Đại biểu các tỉnh, thành tham gia thảo luận trực tuyến (ảnh chụp màn hình).

Đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước về điện ảnh của UBND cấp tỉnh (Điều 48) tại điểm a, khoản 2 quy định: “UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn: Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện phát triển điện ảnh tại địa phương”, từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo không giao UBND tỉnh ban hành chính sách mà giao trách nhiệm cho HĐND tỉnh để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, đại biểu cũng yêu cầu cần ban hành các chính sách giúp nền điện ảnh nước nhà phát triển trong thời gian tới; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tạo động lực cho việc sản xuất sản phẩm điện ảnh có chiều sâu; tạo điều kiện cho các nhà làm phim Việt Nam có cơ hội hợp tác với nhà làm phim nước ngoài để quảng bá đất nước, con người Việt Nam.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định mức độ kiểm duyệt; rà soát, nghiên cứu chặt chẽ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; xây dựng các quy định bảo vệ thành quả sáng tạo của nghệ sĩ; đưa ra các phương án xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động điện ảnh theo hướng đồng bộ hóa với các luật liên quan...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast