Chiều 21/10, các đại biểu Quốc hội tại Hà Tĩnh tiếp tục chương trình thảo luận tổ về các dự án luật trình Quốc hội gồm: Dự án Luật Cảnh sát cơ động, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành phiên thảo luận. Các vị đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương và đại diện các sở, ngành liên quan cùng dự. |
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tiếp tục điều hành phiên thảo luận.
Bước vào phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động bố cục gồm 5 chương, 31 điều. Theo đó, Chương I (Quy định chung) gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II (Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động) gồm: 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III (Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với cảnh sát cơ động) gồm 6 điều (từ Điều 20 đến Điều 25); Chương IV (Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với cảnh sát cơ động) gồm: 5 điều (từ Điều 26 đến Điều 30); Chương V (Điều khoản thi hành) gồm 1 điều (Điều 31). |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về Dự án Luật Cảnh sát cơ động (ảnh: quochoi.vn).
Kỳ họp tiếp tục được nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày tờ trình về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua. |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày tờ trình về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. (ảnh: quochoi.vn).
Tiếp đó, đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh đã tiến hành phiên thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội.
Thảo luận về Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu tham dự đánh giá: Dự án luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc để cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Ông Hà Thọ Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội xem xét phạm vi, chức năng, quyền hạn của Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Dự án luật hướng tới việc xây dựng chính sách lớn, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần thiết để xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vừa tạo điều kiện cho lực lượng hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới, đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định một cách cẩn trọng, phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tiễn.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và một số đại biểu đại diện các sở, ngành trao đổi bên lề kỳ họp.
Đối với Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu cho rằng: Sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển KT-XH vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển KT-XH của Việt Nam.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tiếp thu ý kiến của các đại biểu.
Đại biểu đã đề nghị Quốc hội xem xét thêm một số nội dung. Theo đó, đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung theo khoản 90, Điều 1 dự thảo luật), các đại biểu thống nhất với phương án 1, biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đến nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của đại biểu tham dự. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu các dự án luật để góp ý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội.