Cần giải quyết triệt để việc chậm tái cấu trúc nền kinh tế và nợ xấu

Ngày 24/10, Quốc hội dành cả ngày để tiến hành thảo luận tổ về tình hình KT-XH năm 2013, định hướng, mục tiêu năm 2014 và tái cơ cấu nền kinh tế.

>> Đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế

Đa số ý kiến của đại biểu đề nghị cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát nhưng cũng cần nâng mức đầu tư công để tiếp tục hoàn thành các công trình, hạ tầng cơ sở bức thiết phục vụ đời sống dân sinh; qua đó góp phần kích cầu và chống trì trệ nền kinh tế, tăng nguồn lực để các doanh nghiệp có điều kiện trả nợ và tiếp tục tái cấu trúc.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Võ Kim Cự phát biểu thảo luận tổ
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Võ Kim Cự phát biểu thảo luận tổ

Phát biểu thảo luận tại tổ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Võ Kim Cự cơ bản nhất trí với báo cáo và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế vượt qua tình hình khó khăn hiện nay cũng như đã đề ra định hướng, chiến lược, giải pháp phát triển KT-XH thời gian tới.

Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về tình hình thực hiện Đề án tái cấu trúc nền kinh tế còn chậm, nợ xấu và nợ đầu tư xây dựng cơ bản còn cao; tình hình thực hiện Nghị quyết “tam nông” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn có những lúng túng. Công tác quy hoạch phát triển KT-XH chưa được quan tâm đúng mức. Việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương, giữa ngành và địa phương còn chồng chéo và bất cập. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh kém hiệu lực, hiệu quả; cải cách hành chính còn chậm...

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần có một chuyên đề bàn về công tác quy hoạch phát triển KT-XH của cả nước, của vùng, liên vùng và các địa phương. Kế hoạch phát triển KT-XH không chỉ tính ngắn hạn 2 năm và phải tính đến 5 năm tiếp theo, có những kế hoạch chiến lược, tầm nhìn xa hơn, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.

Đối với sản xuất nông nghiệp, cần quan tâm đến chiến lược đầu ra, gồm: bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Cần có chính sách khuyến khích chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cán bộ, công chức, viên chức lâu nay còn bất cập, cồng kềnh kém hiệu lực, hiệu quả, cần có chiến lược sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tập trung giảm biên chế, giảm đầu mối và giảm cấp phó để bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả hơn nhưng vẫn đảm bảo không trùng lặp chức năng, nhiệm vụ nhưng không bỏ sót nhiệm vụ nhằm tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Mặt khác, cần tăng cường công tác cải cách hành chính để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư.

Đại biểu Võ Kim Cự cũng đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần phân công, phân cấp triệt để, rõ ràng giữa quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, giữa ngành và địa phương để không còn tình trạng chồng chéo, bất cập nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong công tác quản lý nhà nước. Từ đó, địa phương có điều kiện chủ động đề ra những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast