Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

(Baohatinh.vn) - ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia góp ý một số nội dung liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, biện pháp ngăn chặn cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án.

Chiều 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng việc sửa đổi luật lần này là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm tính răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình và tạo ra hành lang pháp lý an toàn, bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Luật cần hướng tới mục tiêu phòng ngừa không để hành vi bạo lực xảy ra hoặc biện pháp xử lý là để các thành viên trong gia đình ý thức trách nhiệm của mình với các thành viên khác, quan tâm, yêu thương, gắn kết với nhau hơn để đạt được mục đích xây dựng gia đình ngày càng ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.

Cân nhắc quy định về hành vi bạo lực gia đình

Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với các thành viên khác trong gia đình.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Tại khoản 2, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau”. Người đã ly hôn tức là quan hệ hôn nhân của họ đã chấm dứt bằng bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án.

Tại khoản 1, Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành quy định: “Trong trường hợp nam nữ có đủ điều kiện kết hôn mà chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ”. Đồng thời quy định cấm “Những người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác”.

Hiện nay, có nhiều trường hợp nam nữ không kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, nếu chúng ta thừa nhận những mối quan hệ này là gia đình sẽ không đúng với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình.

Nếu có xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật giữa những thành viên trong mối quan hệ của những người đã ly hôn, những người sống chung như vợ chồng thì phải giải quyết bằng các luật tương ứng khác là phù hợp và nghiêm khắc. Và trên thực tế, chúng ta đã, đang thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị cân nhắc khoản 2, Điều 3, dự thảo luật quy định: “Hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 điều này được áp dụng đối với người đã ly hôn, người sống chung với nhau như vợ chồng”.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đồng tình với các biện pháp ngăn chặn cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đồng tình với quy định tại Điều 26 của dự thảo luật: Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện tại điểm a, điểm b khoản 1 điều này”.

Theo đại biểu, tại Điều 203, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định thời hạn giải quyết các vụ án dân sự là 4 tháng và đối với vụ việc phức tạp có thể kéo dài thêm 2 tháng.

Các vụ dân sự tòa án giải quyết có thể là các vụ án liên quan đến tranh chấp về tài sản, con cái hoặc liên quan đến hôn nhân gia đình giữa các thành viên trong gia đình. Họ có thể là người khởi kiện nguyên đơn, người bị kiện bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và những thành viên trong gia đình này có thể tham gia trong cùng một vụ án dân sự mà tòa án đang giải quyết. Do đó, quy định như Điều 26, dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp.

Đồng thời, đại biểu đề nghị sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 26 như sau: “… trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật”. Vì nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người bị hạn chế, mất năng lực hành vi phải có người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn chi tiết một số điều, khoản của luật này khi luật có hiệu lực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast