Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng

(Baohatinh.vn) - Chiều 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cùng trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh Khánh Hoà, Hải Dương điều hành thảo luận.

doan dbqh ha tinh thao luan ve du an luat phong chong tham nhung

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, tham nhũng ở khu vực Nhà nước đang ở mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nếu chúng ta không đấu tranh ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ trở thành "quốc nạn". Mặt khác, công tác phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Phòng, chống tham nhũng đã không còn đáp ứng được yêu cầu thưc tiễn, vì vậy, việc sửa đổi là hết sức cần thiết.

Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 41 của dự thảo Luật), Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn). Phương án 2: Thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở Trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Theo đại biểu Trần Đình Gia, cần thực hiện theo phương án 2 và có sự lựa chọn bổ sung một số nhóm đối tượng khác có chức vụ, vị trí công tác nhạy cảm có nhiều khả năng tham nhũng.

doan dbqh ha tinh thao luan ve du an luat phong chong tham nhung

Đại biểu Trần Đình Gia tham gia thảo luận tại tổ

Các đại biểu cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở Trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực, tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức. Việc mở rộng đối tượng kê khai sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 39 của dự thảo Luật) tại Điều 39 của dự thảo Luật giao cho Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra bộ ngành, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát, theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Theo đại biểu, nếu mở rộng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch thì số lượng người kê khai là rất lớn. Việc dự thảo giao các cơ quan trên (không giao cho cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức như quy định hiện hành) chưa phù hợp. Đề nghị cân nhắc về tính khả thi, đảm bảo hiệu quả của biện pháp này.

Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 46 của dự thảo Luật), Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Các bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Phương án 2: Thay hình thức công khai tại nơi thường xuyên làm việc bằng hình thức công khai tại chi bộ nơi người kê khai là đảng viên sinh hoạt. Theo đại biểu đề nghị nên quy định kê khai ở nơi cư trú và nơi làm việc là phù hợp.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast