Gỡ “đầu ra” cho phó chủ tịch UBND cấp xã

(Baohatinh.vn) - Luật Tổ chức chính quyền địa phương chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Nhưng, quá trình đưa luật vào đời sống đang gặp một số khó khăn, trong đó, có việc giải quyết bài toán “thừa” phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát kết quả hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa tại huyện Nghi Xuân. (Ảnh do Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cung cấp)

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát kết quả hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa tại huyện Nghi Xuân. (Ảnh do Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cung cấp)

Điều 34 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: UBND xã loại II và loại III có một phó chủ tịch. Tiếp đó, Điều 62 và Điều 69 cũng ghi: UBND phường loại II và loại III có một phó chủ tịch; UBND thị trấn loại II và loại III có một phó chủ tịch. Hiện nay, theo thống kê, toàn tỉnh có 92 xã, phường, thị trấn có 2 phó chủ tịch UBND thuộc trường hợp phải tinh giản còn 1 phó chủ tịch UBND. Các huyện có số lượng “thừa” phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) nhiều như: Hương Khê 12, huyện Kỳ Anh 12, Can Lộc 11, Cẩm Xuyên 8. Riêng TX Hồng Lĩnh, trong tổng số 6 phường thì 5 phường rơi vào trường hợp này.

Để thực thi đúng luật và nằm trong lộ trình bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, các địa phương đang xây dựng các phương án sắp xếp, bố trí cán bộ theo nhiều hướng khác nhau. Tại huyện Can Lộc, các xã Sơn Lộc, Gia Hanh đang thực hiện phương án vận động một số cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nghỉ hưu trước tuổi để luân chuyển, bố trí vị trí mới cho phó chủ tịch UBND xã. Khi thực hiện phương án này, các xã sẽ tiếp tục điều chuyển, bố trí một số chức danh theo hướng “dây chuyền” để tạo chỗ trống về cơ cấu.

Một số đơn vị khác như thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) do chủ tịch ủy ban MTTQ xã nghỉ hưu nên việc bố trí nhiệm vụ cho phó chủ tịch UBND xã sẽ không gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh giải pháp trên, nhiều địa phương đang xây dựng phương án điều chuyển phó chủ tịch UBND cấp xã giữ các chức danh công chức chuyên môn.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương ra đời nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong ảnh: người dân xã Quang Lộc, Can Lộc làm giao thông nông thôn

Luật Tổ chức chính quyền địa phương ra đời nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong ảnh: người dân xã Quang Lộc, Can Lộc làm giao thông nông thôn

Mặc dù một số đơn vị xây dựng được phương án khá rõ, song vẫn còn nhiều đơn vị gặp khó trong lộ trình tìm “đầu ra” cho phó chủ tịch UBND xã. Tại TX Hồng Lĩnh, 5 phường đã được giao chủ động phương án bố trí để đảm bảo ổn định tình hình địa phương, thực hiện tốt cuộc bầu cử sắp tới. Gặp gỡ một số cán bộ tại Huyện ủy Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, được biết, việc giải quyết bài toán “thừa” phó chủ tịch UBND xã đang đặt ra nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương sau đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 đã kiện toàn đội ngũ theo đúng luật, nghị định hiện hành; một số trường hợp cán bộ gần đến tuổi nghỉ hưu cũng đã được vận động nghỉ vào giai đoạn trước đại hội Đảng nên rất khó tìm… “chỗ trống”.

Các phó chủ tịch xã, phường, thị trấn đều trẻ tuổi, một số mới được bầu giữ chức vụ sau đại hội, trong khi, vị trí trước đây của họ đã bố trí cán bộ, công chức khác đảm nhiệm như: bí thư đoàn, chủ tịch hội nông dân… Việc điều chuyển phó chủ tịch UBND xã giữ chức danh công chức chuyên môn cũng gặp không ít khó khăn do vướng quy định về chuyên ngành đào tạo, nhất là các chức danh đòi hỏi khá “hẹp” như: địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch... Một số ý kiến cũng cho rằng, nếu xây dựng phương án điều chuyển phó chủ tịch UBND cấp xã giữ các chức danh ở cấp huyện thì những quy định về định biên ở phòng, ban cùng quy định về công chức là rào cản chính.

Vẫn biết Điều 142 của luật ghi rõ: “Từ ngày luật này có hiệu lực thi hành cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND, UBND tại các đơn vị hành chính tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11”. Nhưng, thời điểm Điều 142 hết hiệu lực đang đến gần, đó cũng là lúc, bài toán số lượng phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II đang đặt ra những đòi hỏi. Nên chăng, cần có hướng dẫn cụ thể và cơ chế “mở” để các cấp chia sẻ và cùng giải quyết. Trong đó, có ý kiến cho rằng, trung ương cần cho chủ trương giữ nguyên 2 phó chủ tịch UBND đến hết nhiệm kỳ 2016-2021 để có thời gian xây dựng phương án như khi biến động cán bộ, hoặc cán bộ nghỉ hưu sẽ tiến hành sắp xếp, bố trí.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast