Hà Tĩnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã

(Baohatinh.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định, mục tiêu lớn nhất của việc sáp nhập xã là giảm đơn vị hành chính, góp phần phát triển chính trị, KT-XH địa phương tốt hơn, phục vụ nhân dân nhiều hơn; đồng thời góp phần thực hiện nghiêm Nghị quyết 18, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.

Hà Tĩnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã

Chiều 21/2, dưới sự chủ trì của Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp nghe và cho ý kiến các đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Đề án sáp nhập xã theo Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cùng dự có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan

Hà Tĩnh có 66 ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn

Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/12/2018, trong đó nêu rõ mục tiêu từ nay đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Hà Tĩnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Nguyễn Phi Quang báo cáo việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021

Ngoài ra, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi đảm bảo các yếu tố thuận lợi và được đa số nhân dân đồng thuận.

Hà Tĩnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm: Khó nhất là chính sách cán bộ, vì vậy địa phương mong muốn tỉnh chỉ đạo quyết liệt, có các văn bản hướng dẫn cách làm cụ thể

Tại Hà Tĩnh hiện có 3 đơn vị cấp huyện, 22 đơn vị cấp xã đạt 100% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số trở lên; 10 đơn vị cấp huyện, 240 đơn vị cấp xã chưa đạt theo tiêu chuẩn về diện tích hoặc dân số. Đối chiếu theo Nghị quyết số 37-NQ/TW, Hà Tĩnh có 66 ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn phải tiến hành sắp xếp trước năm 2021.

Hà Tĩnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã

Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân: Về tiêu chuẩn dân số, đề nghị tỉnh xem xét thống nhất lấy số liệu điều tra dân số từ công an

Tuy nhiên, theo dự kiến, đề án tổng thể lần 1 của các huyện, thành phố, thị xã thì từ nay đến năm 2021 có 9/66 ĐVHC cấp xã chưa có phương án sắp xếp. Số còn lại, 57/66 ĐVHC cấp xã dự kiến sẽ sắp xếp với 21 xã khác liên quan thành tổng sắp xếp 78 ĐVHC để hình thành 34 xã mới.

Đối với các ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp từ nay đến 2021 theo Nghị quyết 37, Hà Tĩnh tiếp tục rà soát để xác định các đơn vị có liên quan đưa vào triển khai.

Quyết tâm chính trị cao trong sắp xếp, tổ chức

Hà Tĩnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Cần xác định rõ mục tiêu sáp nhập xã là đem đến định hướng phát triển tốt hơn cho địa phương. Vì vậy, mỗi địa phương cần làm rõ sự cần thiết của việc sáp nhập; cấp huyện xây dựng đề án, xác định rõ lộ trình và thực hiện một cách quyết liệt. Đối với các ĐVHC không có phương án sắp xếp, các địa phương cần giải trình bằng văn bản làm rõ các yếu tố đặc thù thuộc diện không bắt buộc sắp xếp, đảm bảo phù hợp với các quy định.

Tại cuộc họp, các đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất cao với chủ trương sáp nhập xã, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc sáp nhập cần tính toán điều kiện và đặc thù riêng của địa phương. Vì vậy, cần xác định phương án sáp nhập theo từng giai đoạn cụ thể; lộ trình huyện xây dựng đề án, lên kế hoạch, đăng ký sáp nhập trình BTV Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Đặc biệt, lấy ý kiến nhân dân công khai, minh bạch, khách quan; làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận; có hướng dẫn cụ thể về sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư...

Hà Tĩnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Trong quá trình triển khai đề án cần lấy ý kiến của nhân dân một cách khách quan, minh bạch, công khai; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao nhất trong toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, mục tiêu lớn nhất của việc sáp nhập xã là giảm ĐVHC, góp phần phát triển chính trị, kinh tế - xã hội địa phương tốt hơn, phục vụ nhân dân nhiều hơn; đồng thời góp phần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 18, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.

Hà Tĩnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã

Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu kỹ nội dung; chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố về lịch sử, địa lý, điều kiện đặc thù; đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các yêu cầu về đảm bảo quốc phòng an ninh, an toàn xã hội. Đặc biệt, làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận trong triển khai đề án.

Bí thư Tỉnh ủy giao BTV các huyện căn cứ các quy định điều kiện thực tiễn, thảo luận thống nhất, xác định số ĐVHC cấp xã sáp nhập, báo cáo kết quả chính thức trước BTV Tỉnh ủy hạn cuối vào ngày 28/2/2019; đối với mỗi đề án phải có đánh giá tác động.

Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiểm ra, xác định, thẩm định và chịu trách nhiệm báo cáo trước BTV Tỉnh ủy về lộ trình triển khai đề án vào ngày 10/3/2019.

“Cả hệ thống chính trị phải đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện, đồng thời tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast