Huỳnh Thúc Kháng - Chí sĩ yêu nước, nhà cách mạng trung kiên

(Baohatinh.vn) - Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1/10/1876 trong một gia đình nho học ở Thăng Bình, Tiên Cảnh, Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1900, cụ đỗ đầu kỳ thi Hương và đến năm 1904 lại đỗ đầu kỳ thi Hội, trở thành một người nổi tiếng của xứ Quảng thời bấy giờ.

Kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng 1/10 (1876-2016)

Cả cuộc đời hoạt động của cụ thực sự là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, thương dân, nêu cao tinh thần đại đoàn kết vì lợi ích tối cao của dân tộc.

huynh thuc khang chi si yeu nuoc nha cach mang trung kien

Bác Hồ, cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (2/3/1946)

Vốn không tham quyền chức nên sau khi đỗ tiến sĩ, Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà đi dạy học, tìm đọc nhiều sách báo có nội dung tư tưởng mới, nuôi ý chí canh tân đất nước. Năm 1905, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đi tìm hiểu tình hình thực tế ở phía Nam, xem xét dân tình, sĩ khí, đề xướng tân học và tìm bạn cùng chí hướng. Năm 1906 thì trở về Quảng Nam khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy tân (1906-1908). Do tham gia khởi xướng cuộc vận động Duy tân ở Trung kỳ, rồi phát triển thành một phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân, trong đó có phong trào chống thuế năm 1908, Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đày đi tù Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Sau khi được trả tự do, Huỳnh Thúc Kháng lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước.

Tháng 7/1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Tuy nhiên, sau khi thấy Viện Dân biểu không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân nên Huỳnh Thúc Kháng xin từ chức (năm 1928). Rời bỏ chính trường, thấy rõ được sức mạnh của báo chí trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, Huỳnh Thúc Kháng đã tập trung sáng tác văn thơ, viết báo, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng dân, đây là tờ báo đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt ở Trung kỳ. Gần 16 năm tồn tại (1927-1943), Báo Tiếng dân đã góp phần quan trọng tuyên truyền, giáo dục quần chúng tích cực đấu tranh chống thực dân, phong kiến; đòi quyền lợi cho dân, cho nước; làm cho chính quyền thực dân phải dè chừng, không dám ngang ngược ức hiếp dân lành. Đồng thời, có ý nghĩa tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Chính phủ, cụ Huỳnh đã dồn hết tâm lực và trí tuệ để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; chỉ đạo giải quyết nhiều công việc nội chính, đóng góp quan trọng giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội mới; tham gia ngay từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến để bàn các vấn đề quan trọng, như chương trình nghị sự, nguyên tắc Hội đồng Chính phủ, Tuyên ngôn của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, chính sách đối với Pháp, quyền hạn của Bộ Nội vụ, các bộ và Ủy ban kháng chiến… Thời gian này, cụ là một trong 6 thành viên của Ủy ban Nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Pari do Hội đồng Chính phủ lập ra trong cuộc họp sáng ngày 22/5/1946…

Từ năm 1946, để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm tăng cường lực lượng bảo vệ thành quả cách mạng, Hội Liên hiệp Quốc dân được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trong những sáng lập viên được bầu làm Hội trưởng. Khoảng thời gian từ 31/5/1946 - 20/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm nước Pháp, Người đã đặt niềm tin tuyệt đối vào cụ Huỳnh khi trao chức Quyền Chủ tịch nước cho cụ với lời căn dặn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng với cương vị Quyền Chủ tịch nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cụ đã mang hết nhiệt tâm tranh đấu để giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc trước ngoại bang và ổn định chính trị của đất nước, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động, mà vụ án Ôn Như Hầu là một điển hình.

huynh thuc khang chi si yeu nuoc nha cach mang trung kien

Mộ chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Ấn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung. Thời gian này, tuy tuổi đã cao nhưng với chí khí, tâm huyết của người chí sỹ yêu nước, cụ Huỳnh dốc hết trí lực tích cực giải thích đường lối toàn quốc kháng chiến và động viên, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thực hiện thắng lợi đường lối toàn quốc, nhấn mạnh “đại đoàn kết một khối rất mạnh, ta phải khuyên nhau…”. Đặc biệt, khi đến công tác ở Quảng Ngãi, cụ Huỳnh luôn quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân, nhắn nhủ già, trẻ, gái, trai đồng lòng chung sức phục vụ kháng chiến.

Đầu năm 1947, tiếp tục hành trình kinh lý miền Trung, do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, ngày 21/4/1947, cụ Huỳnh qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, chiến sỹ cả nước. Trước khi qua đời, cụ Huỳnh còn gửi đến các đảng phái, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, thương dân, nêu cao tinh thần đại đoàn kết vì lợi ích tối cao của dân tộc của cụ Huỳnh Thúc Kháng mãi mãi trường tồn trong lòng các thế hệ người dân Việt Nam.

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast