Lãnh đạo Nhà nước sẽ lần đầu tuyên thệ trước Quốc hội

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TANDTC sẽ tuyên thệ sau khi được bầu tại Kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIII.

Lãnh đạo Nhà nước sẽ lần đầu tuyên thệ trước Quốc hội ảnh 1
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước

Theo chương trình chính thức vừa được thông qua tại phiên họp trù bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, sáng 21/3, từ ngày 30/3 đến 12/4, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Theo đó, ngày 30/3, Quốc hội sẽ thảo luận, miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Cùng ngày, Quốc hội tiến hành các bước miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Nghị quyết bầu Chủ tịch nước sẽ được thông qua vào ngày 2/4.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng như bầu nhân sự thay thế các chức danh này.

Ngày 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ mới.

Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm và bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trên cơ sở tờ trình của Chủ tịch nước.

Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận và phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng-an ninh cũng như phê chuẩn thành viên thay thế các vị trí miễn nhiệm của hai Hội đồng này.

Theo quy định mới nhất của Nội quy kỳ họp Quốc hội, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TANDTC sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Lý do Quốc hội kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước ngay tại Kỳ họp 11 mà không để sang Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV, tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vì nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt không tái cử Ban Chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong khi đến tháng 7/2016 Quốc hội khoá XIV mới họp.

Do đó thời gian là khá dài, trong khi 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, nên cần kiện toàn chức danh để tạo tinh thần, khí thế mới để thực hiện tốt năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, đây cũng không phải là lần đầu tiên thực hiện sớm việc kiện toàn nhân sự. Bởi từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước cũng được kiện toàn trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới.

Theo danh sách 19 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII được phân công công tác sau Đại hội XII, ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, đã có 7 người nhận trọng trách mới: Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

11 Uỷ viên Bộ chính trị còn lại sẽ được giới thiệu ứng cử 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, cũng như chờ phân công nhiệm vụ.

Đó là: Ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an), ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng Chính phủ), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch UBTW MTTQVN), bà Tòng Thị Phóng (Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Phạm Bình Minh (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Ngô Xuân Lịch (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN), ông Tô Lâm (Thứ trưởng Bộ Công an), ông Vương Đình Huệ (Trưởng Ban Kinh tế Trung ương), ông Nguyễn Văn Bình (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) và ông Trương Hoà Bình (Chánh án TANDTC)./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Đọc thêm

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Hà Tĩnh sắp xếp 209 xã, phường, thị trấn thành 69 đơn vị (9 phường, 60 xã). Đây không phải là lần đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng là lần sắp xếp có tính chất lịch sử, khi tiến hành bỏ cấp huyện, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.