Nguyễn Thiếp – sáng mãi hình ảnh người con trung kiên của quê hương Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (18/3), Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh phối hợp với Huyện uỷ Thạch Hà tổ chức Hội thảo "Đồng chí Nguyễn Thiếp - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, người con trung kiên của quê hương Thạch Hà" .

Dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Đặng Quốc Vinh, Trưởng Ban Dân vận Trần Thị Kim Hoa và các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học và gia đình, dòng họ đồng chí Nguyễn Thiếp.

Báo cáo đề dẫn và các tham luận tại hội thảo đã làm nổi bật quá trình hình thành tư tưởng và thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thiếp; những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Thiếp với Đảng bộ và nhân dân trong thời kỳ cách mạng 1930 – 1931 ở Hà Tĩnh; Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Hà với công tác giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng, tiếp bước đồng chí Nguyễn Thiếp…

Đồng chí Nguyễn Thiếp sinh ngày 01/06/1894, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Phù Việt (Thạch Hà). Từ cuối năm 1928, đồng chí đã tham gia hoạt động trong tổ chức Tân Việt và Đông Dương cộng sản Liên đoàn. Khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, đồng chí được bầu vào BCH đảng bộ tỉnh, trực tiếp phụ trách phong trào các huyện phía Nam. Tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Đảng bộ tỉnh (tháng 9/1930), đồng chí Nguyễn Thiếp được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, được bổ sung và BCH Xứ uỷ Trung Kỳ và BTV Xứ uỷ Trung Kỳ.

Đồng chí luôn là tấm gương sáng về tinh thần học tập, rèn luyện, vươn lên không ngừng. Bằng niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường, đồng chí đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, luôn biết kết hợp giữa thực tiễn sinh động với lý luận khoa học để giải quyết những vấn đề cơ bản mà thực tiễn cách mạng đặt ra, nhất là trong những hoàn cảnh gay go, phức tạp.

Tháng 6/1931, trong khi đang làm nhiệm vụ, đồng chí bị địch bắt tại Vinh. Mặc dù bị địch tra tấn dã man, song đồng chí vẫn luôn bình tĩnh, một lòng kiên trung với Đảng, truyền niềm tin thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam.

Ngày 16/02/1932, tại nhà lao Buôn Mê Thuột, đồng chí trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc tương vô hạn của các tù nhân chính trị. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một đời vì cách mạng, vì nước, vì dân. Đồng chí có những đóng góp to lớn cho công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Tĩnh nói chung, Thạch Hà nói riêng và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng khẳng định: Tấm gương đạo đức sáng ngời của người cộng sản kiên trung Nguyễn Thiếp xứng đáng để mọi người noi theo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng cũng nhấn mạnh và làm rõ thêm những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Thiếp với phong trào cách mạng tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Để thể hiện tấm lòng tri ân với đồng chí Nguyễn Thiếp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng đề nghị các nhà sử học, lãnh đạo địa phương tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện về thân thế và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thiếp nói riêng, lịch sử Đảng bộ tỉnh nói chung.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng tin tưởng, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Hà sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh.

Đọc thêm

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Hà Tĩnh sắp xếp 209 xã, phường, thị trấn thành 69 đơn vị (9 phường, 60 xã). Đây không phải là lần đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng là lần sắp xếp có tính chất lịch sử, khi tiến hành bỏ cấp huyện, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.