Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét các vấn đề kinh tế

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (20/5), Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét các vấn đề kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp (ảnh: baochinhphu.vn)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên khai mạc. Cùng tham dự có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Theo chương trình chính thức, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong hai đợt. Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến từ ngày 20/5 đến ngày 28/5. Đợt 2, kỳ họp được tổ chức theo hình thức tập trung từ ngày 8/6 đến ngày 19/6.

Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức kỳ họp trực tuyến

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp trong bối cảnh dịch Covid-19 cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của Nhân dân và đất nước”.

Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét các vấn đề kinh tế

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh.

Bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu và Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, của các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch; sự ủng hộ, ý thức chấp hành, chia sẻ của mọi tầng lớp Nhân dân. Thắng lợi bước đầu này là kết quả của tinh thần quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị.

Chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này, Quốc hội tập trung xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề kinh tế - xã hội; xem xét 10 dự án luật cùng nhiều nghị quyết quan trọng.

Tại kỳ họp này, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các vị đại biểu Quốc hội sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội.

Xem xét các nội dung quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế

Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét các vấn đề kinh tế

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (ảnh: baochinhphu.vn)

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, xem xét, phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Đây sẽ là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác; khẳng định quyết tâm của nước ta trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các Hiệp định thương mại; thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam. Việc phê chuẩn các điều ước quốc tế này là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, lao động và xã hội.

Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét các vấn đề kinh tế

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh

Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày các Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa nước CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục nghe các nội dung liên quan tới việc gia nhập Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast