Tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo

(Baohatinh.vn) - Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đồng tình với ý kiến: Dự án luật đã tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo.

Chiều 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, các vị đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương và đại biểu sở, ngành liên quan cùng dự.

Tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, thống nhất: Dự án Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, KH&CN; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo; bảo hộ quyền SHTT theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật...

Một số đại biểu viện dẫn quy định tại Điều 13a của Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung theo khoản 3, Điều 1 của dự thảo Luật: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học” và đề nghị cần xem xét, cân nhắc giữa hai khái niệm “sáng tạo”, “nghiên cứu” đối với tác giả sáng tạo khoa học.

Tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng dự buổi thảo luận trực tuyến.

Về quyền nhân thân, quyền tài sản (Điều 19, Điều 20 của Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung theo khoản 4 và khoản 5, Điều 1 của dự thảo Luật), cần bổ sung quy định: “Việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Tại phiên thảo luận, đại biểu cũng tham gia góp ý về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (Điều 86 của Luật SHTT được sửa đổi bổ sung theo khoản 36, Điều 1 dự thảo Luật); yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Điều 103 của Luật SHTT được sửa đổi bổ sung theo khoản 46 Điều 1 dự thảo Luật); về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 211 của Luật SHTT được sửa đổi bổ sung theo khoản 89, Điều 1 dự thảo Luật)...

Tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận.

Đại biểu cũng đồng tình với việc giữ nguyên hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp; kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền SHTT; bảo vệ trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực SHTT; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu giải pháp, cơ chế phân cấp, phân quyền trong thực hiện các thủ tục xử lý đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương.

Sau phần thảo luận trực tuyến, Quốc hội được nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast