“Tiếp tục thực hiện có hiệu quả những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa...”

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta đã khẳng định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Nhận thức rõ điều đó, trong 15 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả NQ T.Ư 5 (khóa VIII), NQ 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV), góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

(Trích bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thanh Bình - UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQ T.Ư 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (khóa XIV)

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQ T.Ư 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (khóa XIV)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQ T.Ư 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (khóa XIV)

Về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, hội nghị đã thống nhất cao với nội dung báo cáo tổng kết và các ý kiến thảo luận, chủ yếu là:

Sau khi có các nghị quyết, các cấp ủy đảng, mặt trận, các đoàn thể đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên học tập, quán triệt các nghị quyết; tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước.

Nhiều nét đẹp trong đời sống văn hóa được hình thành và ngày càng phát triển. Những việc làm thiết thực, thể hiện tính nhân văn cao, như phong trào đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giúp nhau XĐGN, xóa nhà TTDN, vượt qua khó khăn, hoạn nạn… đã trở thành nếp sống văn hóa phổ biến trong các địa phương, cộng đồng dân cư.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng xã, thôn xóm, khối phố, đơn vị, gia đình văn hóa phát triển sâu rộng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Những giá trị văn hóa thể hiện đạo lý trong gia đình, dòng họ được gìn giữ, phát huy, nhất là phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” được hưởng ứng sâu rộng.

Các ngành các cấp, địa phương, đơn vị đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa ở cơ sở; gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào quần chúng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ được củng cố, kiện toàn, tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng, tích cực sáng tạo nghệ thuật, tham gia cuộc vận động sáng tác quảng bá các tác phẩm văn văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Sự nghiệp GD-ĐT tiếp tục phát triển toàn diện, góp phần quan trọng chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà. Hoạt động KH-CN đã bám sát các yêu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển KT-XH, nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Tĩnh.

Hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản được đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa. Hoạt động thông tin đối ngoại về văn hóa được mở rộng và tăng cường.

Hoạt động tôn giáo diễn ra cơ bản đúng định hướng, tôn trọng pháp luật; đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách văn hóa đối với tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, từng bước ngăn chặn những tiêu cực của sản phẩm văn hóa độc hại. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa được chú trọng; chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa được quan tâm thực hiện.

Sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã góp phần bồi đắp những giá trị tốt đẹp, nâng cao lòng yêu quê hương, đất nước, đức tính cần cù, thông minh, sáng tạo, sống nghĩa tình, thủy chung của người Hà Tĩnh luôn được phát huy.

Những thành tựu đạt được trên lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua đã tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Hà Tĩnh nói riêng, cũng như phong trào chung của tỉnh nhà. Mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của Trung ương.

Lễ hội chùa Chân Tiên
Lễ hội chùa Chân Tiên

Qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cũng như việc tổng kết ở các địa phương cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm như Báo cáo đã nêu và các ý kiến thảo luận đã phân tích, tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề Hội nghị cần quan tâm từ đó có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đó là:

Tiềm năng văn hóa và con người Hà Tĩnh chưa được khai thác triệt để; chưa tập trung đầu tư để rút ngắn khoảng cách đời sống văn hóa giữa đô thị với nông thôn.

Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, cửa quyền, bảo thủ, cục bộ, kèn cựa địa vị, gây mất đoàn kết nội bộ, tung tin thất thiệt… làm ảnh hưởng đến phong trào chung của tỉnh cũng như phong trào các địa phương, đơn vị.

Một bộ phận nhân dân chưa chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý thức trách nhiệm cộng đồng chưa cao. Tình hình suy giảm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật trong độ tuổi vị thành niên có biểu hiện ngày càng gia tăng.

Một số cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở chưa thực sự gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, trong ứng xử với nhân dân, trong giao tiếp với mọi người còn thiếu văn hóa.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển chưa đồng đều. Một số hủ tục lạc hậu còn diễn ra ở một số địa phương cơ sở; nhiều gia đình, trong đó có cả cán bộ, đảng viên tổ chức việc cưới mời lượng khách quá đông, tổ chức trong nhiều ngày, gây tốn kém, lãng phí, làm nhân dân phân tâm và không đồng tình. Đây là vấn đề chúng ta phải tự nhìn lại mình, nhìn lại đơn vị, địa phương mình để có biện pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là quản lý các dịch vụ văn hóa, di tích, lễ hội ở một số địa phương chưa tốt; một số dịch vụ văn hóa có sự biến tướng, văn hóa phẩm độc hại còn lưu hành trên thị trường nhưng chưa được kiểm soát, xử lý triệt để. Công tác quản lý báo chí, hoạt động Internet vẫn còn một số bất cập, hiện tượng thương mại hóa các hoạt động văn hóa, báo chí, xuất bản chưa được ngăn chặn triệt để. Cá biệt có những trường hợp đưa tin trên một số báo, một số trang mạng thiếu tính xây dựng, có trường hợp luôn tìm kiếm sơ hở của các địa phương để phản ánh một số thông tin không chính xác, có trường hợp thì do động cơ cá nhân đã tìm cách kích động, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến phong trào chung. Đây là vấn đề chúng ta cần phải chủ động đấu tranh ngăn chặn.

Công tác quản lý các di tích chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng xâm hại di tích có nơi chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Một số di tích xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư trùng tu, tôn tạo.

Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ kế cận còn hẫng hụt, số lượng tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn ít; việc giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên trong các nhà trường chưa được chú trọng.

Nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều địa phương cơ sở chưa có khu vui chơi, giải trí cho người dân. Cơ sở vật chất hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều khó khăn, văn hóa đọc sách trong nhân dân chưa được quan tâm chỉ đạo đến nơi, đến chốn.

Biển quê
Biển quê

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, trong thời gian tới, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với thực hiện nghiêm các chủ trương của tỉnh về xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống và những đức tính tốt đẹp của con người Hà Tĩnh, xây dựng các thế hệ người Hà Tĩnh giàu lòng yêu quê hương, đất nước, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà.

- Tiếp tục quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa; thôn xóm, khối phố văn hóa; xã, phường, thị trấn văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa, đảm bảo thực chất và bền vững. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở.

- Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, giữ vững QPAN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh. Đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

- Tiếp tục đầu tư trùng tu, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương; kiên quyết loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm… làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Hà Tĩnh.

- Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh để làm nòng cốt thúc đẩy chuyên nghiệp hóa trong hoạt động văn học, nghệ thuật. Bảo tồn và phát triển văn học, nghệ thuật dân gian. Nêu cao vai trò đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, báo chí trong việc xây dựng, phát triển, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động văn hóa của địa phương; khuyến khích, động viên đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, báo chí tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, có nhiều tác phẩm có nội dung và giá trị thẩm mỹ cao, phản ánh thực tiễn sinh động trên các lĩnh vực.

- Đầu tư phát triển sự nghiệp GD-ĐT đảm bảo đồng bộ, cân đối về cơ cấu và quy mô, đa dạng hình thức, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực và nhu cầu học tập của nhân dân. Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ trí thức; quan tâm đào tạo cán bộ sau đại học trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học; hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật; phát triển các chương trình hợp tác khoa học - công nghệ.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nhất là quản lý hoạt động báo chí xuất bản, các trang thông tin cá nhân, các dịch vụ văn hóa, lễ hội, di tích. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, đi ngược lại những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

- Tiếp tục thực hiện các chính sách về tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng; đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo để xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động xã hội, từ thiện theo phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả và mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, qua đó giới thiệu văn hóa Hà Tĩnh với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để góp phần làm phong phú văn hóa quê hương, dân tộc, đồng thời quảng bá, thu hút đầu tư để Hà Tĩnh phát triển bền vững.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền đối với sự nghiệp phát triển văn hóa. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà; huy động nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa; tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Nhân đây, tôi đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt:

- Tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa và hoa màu vụ xuân, triển khai sản xuất vụ hè thu, có phương án hợp lý trong sử dụng nước tưới phục vụ sản xuất với tinh thần tiết kiệm, theo nội dung Công điện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành.

- Quan tâm thực hiện tốt công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng bàn giao đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án đảm bảo kế hoạch và lộ trình đã đề ra. Đặc biệt chú trọng, kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành đầy đủ các chủ trương, chính sách đền bù theo đúng quy định; đồng thời kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, nhất là những người tuyên truyền sai sự thật, lừa dân, lấy tiền của dân để cuối cùng người dân vi phạm pháp luật. Chỉ đạo, động viên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trên địa bàn. Thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động và phát triển bền vững.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp, thi vào các trường chuyên nghiệp, thi chuyển cấp năm học 2012-2013. Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đẩy mạnh công tác phòng, chống các loại dịch bệnh mùa hè.

- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nắm chắc tình hình hoạt động và âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, nhất là các địa bàn trọng điểm, các khu kinh tế. Giải quyết kịp thời các vụ việc, khiếu nại, tố cáo của công dân; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; triển khai mạnh mẽ các giải pháp kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông. Mở các đợt tấn công trấn áp, điều tra, khám phá, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm trên địa bàn.

- Chú trọng công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức sơ kết và đẩy mạnh thực hiện NQ T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; chuẩn bị kế hoạch và tổ chức sơ kết việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2013, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ họp giữa năm HĐND các cấp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast