Tỏa sáng tâm hồn và khí phách người cộng sản Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người sáng tác rất nhiều tác phẩm, trong đó có tập thơ Nhật ký trong tù. Đây là tập thơ gồm 133 bài, nguyên văn bằng chữ Hán, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian 14 tháng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ qua nhiều nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, từ tháng 8/1942 - 9/1943.

Bác Hồ làm việc tại hang núi Việt Bắc, năm 1951. Ảnh tư liệu
Bác Hồ làm việc tại hang núi Việt Bắc, năm 1951. Ảnh tư liệu

Nhật ký trong tù chẳng những là một văn kiện lịch sử vô giá về một giai đoạn cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mà còn là một tác phẩm văn học lớn, là bức chân dung tự họa bằng thơ của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh tuy chưa bao giờ Người tự nhận mình là một nhà thơ. Chính vì là “nhật ký” mà chúng ta thấy được trực diện hơn so với những tác phẩm hư cấu khác, lối sống, phép ứng xử hàng ngày của Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong tình thế ngặt nghèo của một người tù.

Thơ Đường luật, nhất là thơ tứ tuyệt, chủ yếu là thơ trữ tình, tả cảnh hoặc kết hợp cả hai. Ngược lại, thơ tứ tuyệt trong Nhật ký trong tù tuy có những bài trữ tình nhưng lại có tính chất “nhật ký” với sự dung dị, chi tiết đời thường, ví dụ như bài: Chia nước, Lên xe lửa đi Lai Tân, Ghẻ v.v... Tính chất nôm na trong các bài thơ biểu hiện một con người rất gần gũi, đời thường. Chẳng hạn: Oa! Oa! Oa!/ Cha trốn không đi lính nước nhà/ Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi/ Phải theo mẹ đến ở nhà pha (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương) là một bài ca về lòng nhân ái, đồng thời cũng là một bản cáo trạng đanh thép gián tiếp tố cáo sự vô lý, bất công của chế độ đương thời.

Đằng sau cái đời thường, tâm hồn đồng cảm ấy là một nhân cách lớn, một ý chí và khát vọng tự do. Đó là tư thế ngồi trong nhà lao nhưng vẫn ngắm trăng soi ngoài cửa sổ và mối tương quan giữa vị trí và ý chí: Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao. Đó là việc giành thế chủ động nhưng không sa vào thắng lợi tinh thần: Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng/ Mê say ai cấm ta đừng (Trên đường); hoặc: Gà gáy một lần đêm chửa tan/ Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn/ Người đi cất bước trên đường thẳm.../ Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi thi hứng bỗng thêm nồng (Giải đi sớm).

Bằng chi tiết đời thực trong hoàn cảnh lao tù, bằng ngôn ngữ đời thường, nôm na, nhưng Nhật ký trong tù luôn được coi là áng văn mẫu mực về sự kết hợp giữa lý tưởng và hiện thực, giữa hiện thực với trữ tình và châm biếm, nhiều tầng, nhiều lớp để nhận thức xã hội. Nhà cách mạng trong hoàn cảnh lao tù đã trở thành nhân vật trữ tình của những bài thơ - nhật ký. Chính trong nhân vật trữ tình, không chỉ phẩm chất cách mạng, mà toàn bộ phẩm chất người ở trạng thái hồn nhiên, trong trẻo, trọn vẹn đã làm tôn lên và hài hòa với phẩm chất cách mạng. Nhiều bài thơ hầu như chỉ nói tới thiên nhiên, cảm hứng lên đường và cảm hứng bình minh lên mà bỏ qua cái chuyện bị tù đày hiện thực. Sự tương phản giữa thực tế khổ ải và tự do nội tâm một lần nữa khẳng định tâm hồn mạnh mẽ, phóng khoáng, tư thế ung dung, chủ động trước mọi nghịch cảnh của nhà thơ Hồ Chí Minh, người luôn nhìn đời tươi sáng, lạc quan.

Nhật ký trong tù thể hiện lòng yêu nước cháy bỏng, yêu nhân dân, thương cảm đến tận cùng những cảnh đời bất hạnh. Tác phẩm thể hiện tinh thần cách mạng, ý chí gang thép của Hồ Chí Minh, là nhân cách, phong thái thể hiện trong tâm hồn, khí phách của một con người mà gông cùm, song sắt nhà tù không thể trói buộc, không khóa nổi lời thơ, không ngăn được những rung động tâm hồn tinh tế trước thiên nhiên, tạo vật; là lòng nhân ái bao la đối với con người. Và trên hết, Nhật ký trong tù thể hiện nhất quán tư tưởng đấu tranh cho tự do của con người; là niềm mong mỏi giải phóng đất nước, khát vọng thiết tha giành độc lập, tự do: Một canh... hai canh... lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh, mộng hồn quanh (Không ngủ được).

Nếu như “văn là người” thì Nhật ký trong tù phản ánh trung thực tâm hồn và khí phách người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Tập thơ tỏa sáng một nhân cách văn hóa lớn, biết hòa mình vào vũ trụ, vào thân phận những kẻ bất hạnh, những người bị vùi dập trong xã hội bất công và tự nguyện làm người bạn muôn đời của thế giới đau thương. Chất thép hòa quyện với chất thơ trong hồn thơ Hồ Chí Minh là ở đó. Chính vì vậy, 70 năm từ khi ra đời đến nay, Nhật ký trong tù luôn có sức cuốn hút, lan tỏa kỳ diệu. Tác phẩm đã được các tầng lớp nhân dân đón đọc, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân đất Việt, được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường.

Tác phẩm không chỉ được phổ biến sâu rộng trong nước mà còn được đánh giá cao và được giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới: Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc v.v... Với Nhật ký trong tù, chúng ta may mắn có được bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh. Qua cuộc đời Hồ Chí Minh, chúng ta càng hiểu thêm giá trị Nhật ký trong tù. Từ thực tế, có thể khẳng định, 70 năm sau, năng lượng tinh thần ngời sáng, tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của bậc minh triết Hồ Chí Minh lan tỏa từ Nhật ký trong tù vẫn “tu dưỡng” hết thảy chúng ta...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast