Xử phạt đối với việc bán rùa rong

(Baohatinh.vn) - Anh Trần Nhật Thắng (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) hỏi: Gần đây, trên các tuyến phố Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng bán rùa rong sai quy định. Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?

z5835526643475_cd4bdf15ddef8c8dc6c24465704ee2f7.jpg
Cá thể rùa răng được bày bán trên vỉa hè đường Hà Huy Tập (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) vào trưa ngày 16/9.

Trả lời:

Các cá thể rùa được bán rong tại TP Hà Tĩnh và một số đô thị lớn trên cả nước chủ yếu là rùa răng (Heosemys annandalii), rùa núi vàng (Indotestudo elongata) và rùa núi viền (Manouria impressa). Đây đều là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Nhóm IIB Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Theo quy định, hoạt động kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo mẫu vật của các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc các Phụ lục CITES và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là “ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Vì vậy, các hành vi vi phạm trong hoạt động bán rong rùa và mức xử phạt vi phạm cụ thể được quy định như sau:

1. Bán rong rùa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của cá thể rùa hoặc giấy tờ không hợp lệ (không có bảng kê lâm sản hoặc bảng kê lâm sản có thời gian vận chuyển không phù hợp; địa điểm buôn bán không phù hợp với điểm đến của rùa trên bảng kê lâm sản....) thì sẽ bị xử phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 300 triệu đồng tùy theo giá trị tang vật vi phạm (trong trường hợp vi phạm lần đầu) được quy định tại Điều 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP.

2. Bán rong rùa có nguồn gốc hợp pháp (có giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc hợp pháp) nhưng khi bán không khai báo, lập và cấp bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm cho người mua thì sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP.

3. Bán rong rùa không có giấy chứng nhận kiểm dịch sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 90/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mới nhất bởi Nghị định 07/2022/NĐ- CP.

4. Bán rong rùa không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

5. Không xuất hóa đơn chứng từ cho người mua sẽ bị phạt tiền bằng số tiền thuế trốn theo quy định điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ- CP.

Lưu ý: Một đối tượng bán rong rùa có thể bị xem xét xử phạt theo một hoặc nhiều quy định nêu trên nếu đáp ứng cấu thành của từng hành vi.

Chủ đề Luật sư của bạn

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".