Tướng Hoàng Trọng Tình kể lại thời khắc lịch sử ở Dinh Độc Lập

(Baohatinh.vn) - Cận kề ngày 30/4 lịch sử, Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình - nguyên Phó Chính ủy Quân khu 4 (ở phường Hà Huy Tập - TP Hà Tĩnh) xúc động nhớ lại chiến dịch giải phóng Thượng Đức; vừa thực hiện nhiệm vụ chiếm đánh Đài Phát thanh Sài Gòn, bắt Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vào trưa 30/4/1975.

Chọc thủng “mắt ngọc đầu rồng” chính quyền Mỹ - ngụy

Nhớ về ký ức hào hùng của dân tộc hơn 4 thập kỷ trước, trên gương mặt cương nghị của vị tướng từng là chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) ánh lên niềm xúc động: “Tháng 6/1974, Trung đoàn 66 vinh dự được Bộ Tổng tham mưu, Quân đoàn 2 và Quân khu 5 giao nhiệm vụ chủ công trong chiến dịch tiêu diệt căn cứ chi khu quân sự - quận ly Thượng Đức. Chính quyền Mỹ, ngụy ví Thượng Đức là “mắt ngọc của đầu rồng” và thường xuyên thách thức “Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Thượng Đức”. Lời tự đắc của kẻ thù càng khiến cán bộ, chiến sỹ bước vào chiến trận với ý chí quyết thắng rất cao”.

tuong hoang trong tinh ke lai thoi khac lich su o dinh doc lap

Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình giới thiệu về những chiến tích hào hùng của Trung đoàn 66 (Quân đoàn 2) được tái hiện trong tư liệu về lịch sử dân tộc.

Trước khi vào chiến dịch, có 3 đại đội bộ binh gồm: Đại đội 9, 10, 11 và Đại đội trợ chiến 12 cùng các phân đội trực thuộc. Tiểu đoàn 7 được giao nhiệm vụ chủ công, tấn công theo hướng Tây Bắc. Tiểu đoàn 9 tấn công trên hướng thứ yếu từ hướng Tây và Tiểu đoàn 8 dự bị sẵn sàng tấn công trên cả 2 hướng.

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 28/7/1974, toàn bộ đội hình tham gia chiến dịch đã vào vị trí xuất phát, sẵn sàng nổ súng. Qua 1 tiếng đồng hồ, dù đã tiêu diệt và chiếm lĩnh được một số mục tiêu vòng ngoài nhưng quân ta vẫn chưa vào cứ điểm. Mục tiêu tiêu diệt Thượng Đức trong ngày 29/7 không thực hiện được, các hướng đều phải dừng tiến công để rút kinh nghiệm, bám giữ các vị trí đã chiếm đóng.

Lúc này, Tiểu đoàn 9 của ông từ mũi thứ yếu thành mũi chủ công theo điều chỉnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tiểu đoàn dồn hết lực lượng với chưa đầy 30 người quyết tiêu diệt và chiếm được mục tiêu. Thắng lợi này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ.

Hơn 10 ngày chiến đấu quả cảm, ngày 7/8/1974, theo lệnh tiến công trên toàn mặt trận của Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 9 lần lượt đánh chiếm các mục tiêu trong quận ly . Qua nhiều giờ chiến đấu liên tục, quân ta đã hoàn toàn làm chủ chi khu quân sự - quận ly Thượng Đức.

Đến 8h30’ ngày 7/8/1974, lá cờ cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà đã tung bay trên căn cứ điểm Thượng Đức, chính thức báo tin vui hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này chính là bàn đạp để quân ta tiếp tục giải phóng TP Đà Nẵng.

Vào ngày 27/3/1975, tiểu đoàn của Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình (lúc này ông đã được điều làm Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66) bước vào trận chiến mới theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “thần tốc, táo bạo, nhanh chóng đánh chiếm TP Đà Nẵng”. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, chỉ sau 3 ngày, Đà Nẵng đã về tay quân giải phóng.

Cũng trong trận đánh này, Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình bị thương và hiện một phần mảnh đạn vẫn nằm trong phổi. Với ông, đó là minh chứng, là niềm tự hào cho quá khứ chiến đấu ác liệt, hào hùng…

Tổng thống ngụy tuyên bố đầu hàng

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tiểu đoàn 8 tham gia tiến công vào 2 mục tiêu chủ yếu: Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh. Vị tướng còn nhớ mãi lời nói của Chính ủy Trung đoàn Lê Xuân Lộc trong lần xuống động viên cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 8: “…Do tiểu đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các trận chiến quan trọng; từ tiến công tiêu diệt Chi khu quận ly Thượng Đức đến dẫn đầu đội hình tấn công thần tốc, giải phóng Đà Nẵng. Đây là trận chiến cuối cùng tiêu diệt chế độ Sài Gòn tay sai của Mỹ, tôi tin tưởng tiểu đoàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ!”. Đó là những giây phút cảm động nhất trong cuộc đời Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình!

tuong hoang trong tinh ke lai thoi khac lich su o dinh doc lap

Xe tăng quân giải phóng tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30/41975. Ảnh tư liệu

Nửa đêm 29/4/1975, Tiểu đoàn 8 vượt cầu sông Buông tiến ra xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Gần sáng 30/4, tiểu đoàn triển khai đội hình tại cầu xa lộ rồi tiếp tục tiến quân. Sau 30 phút chiến đấu quyết liệt, ta hoàn toàn làm chủ cầu Sài Gòn, tàn quân địch vứt súng tháo chạy. 9h30’, ta tiếp tục đánh tan chốt chặn của địch tại cầu Thị Nghè, tiến về Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh. 10h30’, cờ giải phóng được kéo lên trên Đài Phát thanh, cả đại đội vỡ òa hạnh phúc. Hơn 11h, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu được đưa đến Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Đúng 11h30’ ngày 30/4/1975, từ căn phòng thu âm của Đài Phát thanh Sài Gòn, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

tuong hoang trong tinh ke lai thoi khac lich su o dinh doc lap

Trở về cuộc sống đời thường, Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình luôn nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc.

“Trong cuộc đời chinh chiến, được trực tiếp chứng kiến Tổng thống đối phương tuyên bố đầu hàng vô điều kiện là cảm giác vô cùng khó tả”. Nói đến đây, vị tướng lau vội dòng nước mắt chực trào ra. Có lẽ, khoảnh khắc ấy, ông chợt nhớ tới những người đồng đội đã ngã xuống trước thời khắc lịch sử của cả dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast