Việt Nam - Myanmar: Hợp tác nhiều mặt hai bên cùng có lợi

Chuyến thăm chính thức Myanmar của Chủ tịch Quốc hội khẳng định sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Myanmar.

viet nam myanmar hop tac nhieu mat hai ben cung co loi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: TTXVN)

Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, Liên bang Myanmar. Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa liên bang Myanmar Mahn Win Khaing Than, tối 28/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta thăm hữu nghị chính thức Liên bang Myanmar, dự Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37.

Chuyến thăm lần này khẳng định sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác nhiều mặt cùng có lợi giữa Việt Nam và Myanmar trong bối cảnh mới.

Với 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Myanmar có một bề dày lịch sử đáng trân trọng. Mối quan hệ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng AungSan đặt nền móng và vun đắp. Myanmar là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao và nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm và giải phóng đất nước trước đây. Sự giúp đỡ quý báu này nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ.

41 năm qua, bằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, giữa Việt Nam và Myanmar đã và đang có những bước phát triển tốt đẹp.

Hai nước đã xác định và duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Việt Nam là đối tác thương mại đầu tư lớn thứ 10 của Myanmar. Tính đến tháng 7 năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 299 triệu USD; Việt Nam có 47 dự án đầu tư tại Myanmar; Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar được thành lập và hoạt động rất tích cực. Hợp tác trên các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dầu khí, du lịch, viễn thông, văn hóa tiếp tục được củng cố, tăng cường.

Những năm qua, kinh tế Myanmar phát triển mạnh mẽ nhờ các chính sách cải cách về kinh tế, mở cửa một số lĩnh vực lớn như ngân hàng, hàng không, viễn thông, khuyến khích đầu tư nước ngoài. Myanmar đề ra chính sách phát triển kinh tế có nhiều điểm mới, trong đó quản lí tài chính công minh bạch, xây dựng luật lệ minh bạch trong chuyển giao đất nông nghiệp…

Những chính sách này có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, đó là tích cực thực hiện các chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế, có tiềm năng hợp tác lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Chính vì vậy, chuyến thăm hữu nghị chính thức Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam khẳng định sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác nhiều mặt cùng có lợi giữa Việt Nam và Myanmar trong bối cảnh mới.

Và kể từ khi Quốc hội Myanmar chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) vào tháng 9/2011, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Myanmar đã có những bước phát triển tích cực. Quốc hội và Văn phòng Quốc hội hai nước đã kí Thỏa thuận hợp tác; hai bên thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị. Trên diễn đàn đa phương, hai nước đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện IPU và AIPA.

Chuyến thăm Myanmar lần này là kết quả việc triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước ký tháng 7/2013 trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Myanmar của Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng.

Cũng trong chuyến công du lần này, nhận lời mời của Ngài Mahn Win Khaing Than, Chủ tịch Thượng viện, Quốc hội Myanmar, Chủ tịch AIPA-37, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Đai hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA 37) diễn ra từ ngày 29/9-3/10 tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar.

Việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự AIPA 37 tiếp tục thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn đa phương sau khi Quốc hội Việt Nam đăng cai thành công Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 trong năm 2015; đồng thời đóng góp tích cực vào sự hợp tác trong AIPA cũng như hợp tác trong khu vực.

Theo VOV

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Vấn đề hôm nay: Sắp xếp ĐVHC cấp xã - từ đề án đến hành động

Hà Tĩnh sắp xếp 209 xã, phường, thị trấn thành 69 đơn vị (9 phường, 60 xã). Đây không phải là lần đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng là lần sắp xếp có tính chất lịch sử, khi tiến hành bỏ cấp huyện, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

[Motion Graphics] Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến dịch này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.