Cho người quen vay tiền: Làm ơn… mắc oán!

(Baohatinh.vn) - Chỉ vì cả nể, tin tưởng, ông P.V.M. (quê gốc Hà Tĩnh) sẵn sàng cho người quen vay số tiền lớn mà không cần các điều kiện bảo đảm, thế chấp. Để rồi, bản thân ông vướng vào lùm xùm không đáng có.

Cho người quen vay tiền: Làm ơn… mắc oán!

Chỉ vì cả nể, tin tưởng, ông P.V.M. (quê gốc Hà Tĩnh) sẵn sàng cho người quen vay số tiền lớn mà không cần các điều kiện bảo đảm, thế chấp (Ảnh minh họa).

Ông P.V.M. (nay đang sinh sống tại Đắk Nông) quê gốc ở huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh. Hơn chục năm về trước, ông cùng gia đình vào Tây Nguyên làm ăn theo diện kinh tế mới. Thời gian còn ở Hà Tĩnh, ông P.T.S. là hàng xóm rất mực thân thiết với gia đình ông. Đã từ rất lâu, trong thâm tâm ông M. luôn coi ông S. là anh em kết nghĩa. Sau nhiều năm, hai bên vẫn giữ được mối quan hệ bền chặt.

Năm 2021, ông M. thu được tiền từ việc bán một phần diện tích rẫy cà phê. Biết được việc này, ông S. đã hỏi vay một số tiền để xây nhà. Để tạo điều kiện cho người hàng xóm lâu năm, ông M. đã quyết định cho vay 308 triệu đồng và không tính lãi suất. Vì tin tưởng lời hứa “sẽ trả ngay khi có tiền” của ông S. nên quá trình vay mượn, ông M. không lập giấy tờ, văn bản.

Trong tổng số 308 triệu đồng, có 108 triệu đồng được ông M. nhiều lần chuyển khoản vào tài khoản của ông S. (có hóa đơn chứng từ), 200 triệu đồng còn lại giao dịch bằng việc đưa trực tiếp trong dịp ông M. về thăm quê.

Sau khi 308 triệu đồng được giao đầy đủ cho ông P.T.S., tháng 6/2021, hai bên mới lập văn bản chốt nợ là 300 triệu đồng và ghi rõ đến tháng 11/2021, ông S. có trách nhiệm trả đủ số tiền trên (theo lời hứa hẹn của ông S.).

Quá thời hạn trả nợ đã lâu, ông P.V.M. nhiều lần yêu cầu trả nợ nhưng ông S. không chịu trả và có thái độ trốn tránh. Chính vì vậy, ông P.V.M. đã viết đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đức Thọ yêu cầu ông P.T.S. trả nợ 300 triệu đồng (ông M. không yêu cầu đối với 8 triệu đồng còn lại).

Cho người quen vay tiền: Làm ơn… mắc oán!

Giấy vay tiền viết tay giữa hai bên là một trong những căn cứ để Tòa án có cơ sở giải quyết vụ tranh chấp (Ảnh minh họa).

Quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Đức Thọ đã tiến hành giao nhận, niêm yết hợp lệ thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập đương sự, thông báo về phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải cùng các văn bản tố tụng khác cho ông S., song, ông này không hợp tác.

Đến tháng 2/2022, tòa án nhận được “Đơn xin phản tố” của ông P.T.S. gửi qua đường bưu điện. Tháng 3/2022, tòa án đã niêm yết thông báo nộp tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố nhưng ông S. có biểu hiện trốn tránh, không chịu đến tòa án làm việc và không giao nộp các tài liệu, chứng cứ. Do đó, không có cơ sở giải quyết yêu cầu của ông S.

Do không thể tiến hành hòa giải, tháng 4/2022, TAND huyện Đức Thọ đã đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông P.V.M. trình bày bản thân căn cứ vào “Giấy vay tiền” có chữ ký của bị đơn P.T.S. để khởi kiện. Xét thấy quá trình giải quyết, ông P.T.S. không hợp tác để làm rõ nội dung vụ án, tòa án đã có quyết định trưng cầu giám định đối với chữ ký của bị đơn S. trong giấy vay tiền. Kết quả, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) xác định, chữ viết và chữ ký trong giấy vay tiền là của ông S.

Tuy nhiên, tại “Đơn xin phản tố”, ông S. thừa nhận có viết và ký vào giấy vay tiền nhưng dưới sự ép buộc của ông M. cùng một số người khác. Như vậy, TAND huyện Đức Thọ đã có đủ cơ sở để khẳng định chính ông P.T.S. đã viết và ký vào giấy vay tiền. Đồng thời, trong giấy vay tiền, ông S. cũng thừa nhận việc ông vay của ông M. số tiền là 300 triệu đồng.

Xét thấy việc ông P.V.M. khởi kiện, yêu cầu ông P.T.S. phải hoàn trả số tiền nói trên là có căn cứ, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn đã cung cấp và phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự nên được hội đồng xét xử chấp nhận.

Đối với yêu cầu phản tố của ông P.T.S, sau khi nhận được đơn, tòa án đã tiến hành thực hiện các thủ tục tố tụng, ban hành và niêm yết thông báo nộp tiền tạm ứng án phí theo đúng quy định pháp luật, nhưng ông S. không hợp tác. Xét thấy không đủ căn cứ để xác minh nội dung trong đơn, hội đồng xét xử đã đình chỉ giải quyết “Đơn xin phản tố” của ông P.T.S.

Căn cứ vào những phân tích trên, TAND huyện Đức Thọ đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông P.T.S. phải hoàn trả cho ông P.V.M. số tiền 300 triệu đồng. Nhờ có căn cứ đầy đủ, cuối cùng, ông P.V.M. đã bảo vệ được quyền lợi cho bản thân. Tuy nhiên, đây cũng là bài học đắt giá để cảnh tỉnh bản thân ông và mọi người khi cho bạn bè, người quen vay mượn tiền.

Chủ đề Chuyện vụ án

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.