Để mua một chiếc áo có giá 600 nghìn đồng, chị N.T đã đặt hàng trên một panpage khá uy tín. Khi đang giao dịch trực tiếp thì chị nhận được “inbox” của một địa chỉ facebook có tên Nhi Hoàng, gửi hình ảnh đúng chiếc áo mà chị đang muốn mua trên panpage. Vì nghĩ đây là nhân viên của cửa hàng nên chị đồng ý mua thông qua dịch vụ ship cod (thanh toán khi giao hàng của VietNam Post).
Thế nhưng, khi nhân viên bưu điện chuyển hàng đến, cũng là lúc chị nhận ra mình trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo. Chiếc áo hoàn toàn khác với mẫu chị đặt trước đó. Lúc đó, chị mới “té ngửa” vì mình đã bị một nick “ảo” ăn cắp thông tin trong lúc giao dịch với panpage chính thức để lừa mua hàng.
Chị N.T đã kiến nghị lên bộ phận chuyển phát của VietNam Post, đồng thời được đơn vị này tiếp nhận và hỗ trợ làm rõ vấn đề. Rất may, món tiền này đã được hoàn lại. Đây là bài học cho việc tin người trên mạng xã hội của chị N.T.
Việc bán hàng qua mạng “treo đầu dê, bán thịt chó” xảy ra khá phổ biến lâu nay. Thế nhưng, đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, bọn chúng có thể ăn cắp thông tin cá nhân từ các tương tác khác để lợi dụng chiếm đoạt tiền của chính chủ nhân hoặc bạn bè. Thường hành vi là chuyển card điện thoại; chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng trước khi nhận hàng… Ngoài việc tìm dịch vụ chuyển phát trung gian uy tín, khách hàng cần sáng suốt, tỉnh táo khi lựa chọn hình thức mua hàng online.