Ngăn chặn đánh bắt chim trời ở Cương Gián: “Bắt cóc bỏ đĩa”!

(Baohatinh.vn) - Tình trạng đánh bắt chim trời mùa di cư ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang diễn ra âm ỉ, dù lực lượng chức năng đã nhiều lần dẹp bỏ các dụng cụ, lùm lán.

bqbht_br_dji-0954-copy.jpg
Dù đã cuối mùa các loài chim trắng di cư (cò, cói) nhưng trên đồng ruộng thôn Song Nam (xã Cương Gián) vẫn còn tình trạng đơm, bẫy chim trời.

Thời điểm này, những đàn chim màu trắng (cò, cói…) cuối cùng đang di cư qua địa bàn Hà Tĩnh để tránh rét, nhưng đây lại là thời điểm bắt đầu di cư của các loại chim màu đen (vạc, diệc, chèo bẻo, hoét, én…). Vì vậy, tình trạng lén lút đơm, bẫy chim trời vẫn đang diễn ra ở khu vực thôn Song Nam của xã Cương Gián (Nghi Xuân).

Đây là khu vực giáp ranh giữa xã Cương Gián (Nghi Xuân) với xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), sát biển, có những cánh đồng rộng, nhiều rặng phi lao phòng hộ, cư dân khá thưa thớt… nên được xem là nơi "lý tưởng" cho đánh bắt chim trời.

bqbht_br_dji-0961-copy.jpg
Sau 17h là những chú vạc mồi này được đưa ra các bãi để phục vụ cho một đêm đánh bắt mới.

Anh Nguyễn Thanh P. - một “lão làng” trong đánh bắt chim trời nay đã giải nghệ tiết lộ: “Khu vực thôn Song Nam là một trong những luồng bay chính của các đàn chim mùa di cư hằng năm. Chim qua đây với số lượng rất lớn, đa dạng vì khi bay từ ngoài biển vào đất liền là có những cánh rừng phi lao phòng hộ và cây cối ven núi Bằng Sơn để trú ngụ, cùng với đó, có nhiều cánh đồng rộng và nhiều ao hồ để uống nước, nạp thêm năng lượng trước lúc tiếp tục hành trình. Lợi dụng đặc điểm, ưu thế này, bao đời nay, người dân chúng tôi đã tìm cách đánh bắt bằng cách đơm, bẫy, giăng lưới, bắn... Tại thời điểm này dù đã bị cấm nhưng họ vẫn lén lút thực hiện”.

bqbht_br_dji-0971-copy.jpg
Những lùm lán kiên cố như những "pháo đài" giữa dòng Lạch Kèn.

Những ngày vừa qua, chúng tôi đến đây vào ban ngày nhưng vẫn phát hiện có khoảng 7-8 điểm đơm bẫy chim trời ở trên ruộng, mặt nước lẫn cây cao. Theo đó, ở những ô ruộng bỏ hoang được dọn dẹp sạch cỏ, có mực nước nhỏ, hàng chục con chim mồi còn sống đứng xen lẫn với các loại chim mồi giả; xung quanh đó là những ụ nổi được đắp bằng đất bùn, cỏ dại và bên cạnh đó cắm những que được tẩm nhạ phần phía trên.

Trên mặt nước Lạch Kèn cũng lác đác những điểm đơm bằng cách cắm các cành cây ở vùng nước nông, bãi cát bồi. Trên những ngọn cây lớn còn có những lùm đơm kiên cố được kết hợp giữa thân cây chủ với những thanh tre bắc ngang dọc như những “pháo đài”, xung quanh đầy rẫy chim mồi, que nhạ… Những “thiên la, địa võng” này là những cạm bẫy chết chóc cho các loài chim.

bqbht_br_dji-0985-1-copy.jpg
Giăng "thiên la, địa võng" từ trên ngọn cây lẫn dưới mặt nước.

Ông Hoàng Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: “Chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con, kết hợp với bố trí lực lượng ra quân truy quét, đẩy đuổi nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc này gặp nhiều khó khăn. Ngoài người dân địa phương thì đây còn là khu vực giáp ranh với xã Thịnh Lộc nên một số người bên xã bạn cũng lén lút sang địa bàn hoạt động đơm, bẫy trái phép. Tới đây, chúng tôi sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng, thôn xóm chấn chỉnh nghiêm túc”.

bqbht_br_2-copy.jpg
Lực lượng chức năng đã nhiều lần vào cuộc dẹp bỏ các điểm đơm bẫy chim trời nhưng sau đó "đâu lại vào đấy".

Các lực lượng chức năng đã truy quét nhiều lần nên hoạt động đơm, bẫy chim trời ở đây diễn ra lén lút, các đối tượng đánh bắt chim trời trái phép khá cảnh giác. Để tránh lực lượng chức năng, họ chủ yếu tập trung đơm bẫy vào ban đêm (vạc, diệc) và từ 4-8h sáng, 17-19h chiều (đối với cò, cói); sau đó sẽ thu dọn “đồ nghề” về đi làm việc khác. Đặc biệt vào ban đêm, đứng ở khu vực này luôn nghe được tiếng loa văng vẳng phát ra tiếng chim vạc gọi bạn để dẫn dụ đồng loại bay đến khu vực đơm bẫy.

Anh T.V.G – một người hay đánh bắt chim trời ở thôn Song Nam lý giải cho việc làm sai trái của mình: “Đây là thời điểm giao mùa giữa các loại chim màu trắng với màu đen nên lượng chim di cư ít, nếu may mắn mỗi ngày kiếm được 1 triệu đồng để vợ con chi tiêu, còn không thì được mấy con kêu bạn bè đến lai rai vài chén rượu. Tuy vậy, với tôi, đơm chim không hẳn là vì kinh tế mà còn vì thú vui nên dù có vất vả, dù bị chức năng đẩy đuổi, mọi người phê bình, tôi vẫn thích làm”.

bqbht_br_dji-0988.jpg
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường (thấy flycam bay qua vị trí đơm), người đi bẫy chim này đã lặng lẽ rời khỏi hiện trường.

Nói về vấn đề này, Thiếu tá Võ Văn Hải – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho hay: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân truy quét các điểm đơm chim trời ở 9 xã dọc bãi biển của huyện Nghi Xuân, trong đó trọng tâm là địa bàn xã Cương Gián với 4 đợt trong năm 2024. Tuy nhiên, do ý thức, thói quen của người dân nên cứ vừa dẹp xong là hoạt động trở lại; lực lượng chức năng đến chặt bỏ, phá hủy mới xong là họ quay ra sửa chữa lùm lán, đi mua lại “đồ nghề”. Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ vào cuộc quyết liệt hơn, xử lý “mạnh tay” hơn”.

Tình trạng ngăn chặn đánh bắt chim trời khó như “bắt cóc bỏ đĩa” ở khu vực thôn Song Nam cũng đã được ông Trần Thanh Tường – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân thừa nhận: “Mùa chim di cư này chúng tôi đã phối hợp với công an, biên phòng, chính quyền địa phương… vào cuộc quyết liệt. Đến thời điểm này, chúng tôi đã tổ chức 52 đợt kiểm tra, 18 đợt tuyên truyền gắn với ký cam kết, thả 120 con chim mồi còn sống, tiêu hủy 1.732 con chim mồi giả, thu 2.540m lưới, 20 nghìn que nhạ, tháo dỡ 103 lán ẩn nấp và lùm đơm chim... nên tình trạng đánh bắt chim di cư trên địa bàn toàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, giảm nhiều. Tuy nhiên, tại địa bàn xã Cương Gián, dù đã ra quân hơn 20 lần, thu nhiều chim mồi, dụng cụ, phá nhiều lùm bẫy nhưng vẫn chưa thể chấm dứt triệt để nên chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung ra quân ngăn chặn”.

Video: Cận cảnh tình trạng đánh bắt chim trời ở thôn Song Nam (xã Cương Gián) hiện nay.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.
Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.