Tô Thị Vĩnh (SN 1981, trú phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội) là lao động tự do, công việc không ổn định. Thế nhưng, bằng những mánh khóe ranh ma, Vĩnh đã tự tạo vỏ bọc hoàn hảo cho mình như: có mối quan hệ quen biết với nhiều người có chức quyền, địa vị trong xã hội nên có thể xin được việc làm ở các cơ quan, doanh nghiệp và tập đoàn dầu khí với chi phí thấp hoặc được ưu tiên suất “ngoại giao”; đầu tư xe tải vận chuyển vật liệu san lấp mặt bằng sân bay Long Thành (Đồng Nai) hưởng lợi nhuận hằng ngày…
Đánh vào lòng tham, Vĩnh nhanh chóng tạo được niềm tin tuyệt đối với các bị hại. Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2023, đã có 7 người “mắc lưới”, tin tưởng những lời đường mật của Vĩnh. Họ đã dốc vốn liếng, thậm chí vay mượn khắp nơi để đưa cho Vĩnh tổng số tiền 11.726.500.000 đồng, với hy vọng có thể xin được việc cho con, làm ăn sinh lời… Nhưng rồi lời đâu, việc đâu chưa thấy, đã phải “gánh” một khoản nợ.
Là người bị chiếm đoạt tiền lớn nhất trong số các bị hại, chị N.T.Đ. (trú Cẩm Xuyên) “đứng ngồi không yên” vì vốn liếng và số tiền vay mượn để đưa cho bị cáo Tô Thị Vĩnh khó có thể lấy lại.
Chị Đ. chia sẻ: “Tiếp cận tôi, Vĩnh đã vẽ ra những khoản lời lớn khi chung vốn đầu tư mua xe ô tô tải để san lấp mặt bằng sân bay Long Thành, mua bán hàng phát mại… Tin tưởng những gì bị cáo nói, tôi đã chuyển hơn 7,4 tỷ đồng với hy vọng có thể cải thiện kinh tế. Vĩnh sau đó đã chuyển trả cho tôi hơn 2,4 tỷ đồng, hiện còn hơn 5 tỷ đồng. Từ ngày hay tin bị cáo Vĩnh bị bắt, không đêm nào tôi yên giấc, vì bị cáo mà gia đình tôi đang phải gồng mình trả tiền lãi và tiền gốc, cuộc sống lâm vào cảnh kiệt quệ”.
Không riêng gì chị Đ., mà 6 bị hại còn lại cũng đều rơi vào tình cảnh tương tự. Số tiền chiếm đoạt được, Vĩnh đã dùng để trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Tại phiên xử, Tô Thị Vĩnh khai, do làm ăn thua lỗ, không có tiền để trả nợ nên bị cáo đã nảy sinh kế hoạch lừa đảo. Thấy các bị hại tin tưởng, việc lừa đảo thuận lợi nên bị cáo đã nhắm mắt làm liều, không nghĩ đến hậu quả sau này.
“Bị cáo nhận ra một điều, của cải được làm ra từ chính sức lao động của mình mới bền lâu, trân quý. Giá như bị cáo thức tỉnh sớm hơn thì chắc có lẽ đã không rơi vào bước đường cùng hôm nay. Chỉ vì muốn sớm có tiền trả nợ, không phải lao động mệt nhọc, bị cáo đã chọn con đường lừa đảo. Nhận những đồng tiền từ các bị hại, mắt bị cáo như mờ đi, một lần rồi nhiều lần, cứ thế bị cáo đã bị lòng tham lấn át. Giờ đây, bị cáo rất ân hận và mong bị hại tha thứ, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án để sớm trở về khắc phục những tổn thất mình đã gây ra” - Tô Thị Vĩnh tha thiết trước tòa.
Dù những lời biện bạch của Tô Thị Vĩnh có phần nào làm lay động những bị hại có mặt tại phiên xử. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Lợi dụng lòng tin của những người bị hại, bị cáo đã đưa ra các thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Sau khi cân nhắc kỹ các tình tiết, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Tô Thị Vĩnh mức án 18 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bản án còn là bài học đắt giá cho mọi công dân trong việc hợp tác làm ăn, tránh tiền mất tật mang, rơi vào cảnh cùng cực như các bị hại nêu trên.