UBND xã Tùng Lộc phối hợp với dòng tộc họ Đặng Việt Nam, Hội Đồng họ Đặng Hồng Lam vừa long trọng tổ chức lễ khánh thành trùng tu, tôn tạo đền thờ Đặng Tất – Đặng Dung với sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Đặng Ngọc Sơn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành trùng tu đền thờ Đặng Tất – Đặng Dung
Theo tài liệu Đặng Tất, Đặng Dung quê ở làng Tả Hạ, xã Phù Lưu, tổng Nội Ngoại, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An; nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Đặng Tất từng đỗ đại khoa, là quan lại cũ của nhà Trần sau thời nhà Hồ làm đại tri Châu Hóa. Con trai trưởng của ông là Đặng Dung sinh ra, lớn lên trong bối cảnh triều đình nhà Trần suy yếu, giặc Minh sang xâm lược nước ta. Do đó, Đặng Tất cùng con là Đặng Dung nổi dậy khởi nghĩa ở Châu Hóa, giết sạch quan lại, binh lính giặc Minh rồi đưa quân ra Nghệ An đánh thắng nhiều trận nổi tiếng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng nhân dân dâng hương tưởng nhớ cha con hai vị anh hùng dân tộc
Sau khi được vua Trùng Quang phong làm Bình Chương quốc sư, từ năm 1409 đến 1413, Đặng Dung cùng các bậc nghĩa sỹ bày mưu lập kế, nếm mật nằm gai cùng Vua và nghĩa quân đánh hàng chục trận lớn nhỏ. Tháng Giêng năm 1414, Bình Chương quốc sự không may rơi vào tay giặc; trên đường giải về Kinh Lăng, ông khắc lên ván thuyền bài thơ “Cảm hoài” gửi tâm sự lại cho hậu thế, rồi lợi dụng sự canh phòng sơ hở của giặc, ông đã nhảy xuống sông tuẫn tiết.
Năm Mậu Tuất 1428, Vua Lê Thái Tổ truy tặng cho cha con Đặng Tất, Đặng Dung hai bức đại tự, đề 8 chữ vàng: “Tiết liệt – Cương trung - Trung thần - Hiếu tử”.
Để ghi nhận công lao to lớn gắn liền với những chiến công hiển hách của hai vị anh hùng dân tộc Đặng Tất, Đặng Dung, ngày 30/8/1991, Bộ Văn hóa có Quyết định 1548/QĐ-BVHTT công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Từ cuối tháng 10/2016, Đền thờ Đặng Tất - Đặng Dung được trùng tu, tôn tạo. Bố cục đền thiết kế theo lối chữ Tam truyền thống dựa trên nền móng cũ của nhà thượng điện, trung điện, bái đường, long đình, tả vu, hữu vu, tắc môn và các hạng mục khác, trên diện tích 5000m2.
Dù tôn tạo, trùng tu nhiều hạng mục nhưng tổng thể đền vẫn giữ được nét uy nghiêm, cổ kính.