Bệnh đạo ôn lá đang phát sinh gây hại và có nguy cơ lan rộng ở Hà Tĩnh
Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đến ngày 11/3, bệnh đạo ôn lá đang phát sinh gây hại, tỷ lệ bệnh trung bình 5 - 7%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ 25 - 30%; diện tích nhiễm 610ha (Cẩm Xuyên 500ha, thị xã Hồng Lĩnh 45ha, Đức Thọ 20ha, Kỳ Anh 20ha, Can Lộc 11 ha, Thạch Hà 4ha...), trong đó nhiễm nặng 21 ha, tập trung chủ yếu trên các giống NA6, Bắc Hương 9, Xi23, TBR225, P6...
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ ngày 14 - 19/3, thời tiết khu vực Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa, trời âm u, có sương là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân 2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng, trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi và UBND các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức rà soát, nắm chắc diễn biến tình hình bệnh, thống kê diện tích nhiễm, tiến hành khoanh vùng, cắm vè, hướng dẫn bà con xử lý dứt điểm những diện tích bị nhiễm bệnh, không để bệnh phát sinh trên diện rộng; giám sát chặt chẽ tình hình sinh trưởng các trà lúa, dự kiến thời gian trổ bông để có các giải pháp bổ cứu kịp thời.
Cơ quan BVTV Hà Tĩnh khuyến cáo bà con thực hiện hướng dẫn phòng trừ đúng cách, xử lý tốt mầm bệnh, tránh lây lan.
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát thanh về diễn biến tình hình, kỹ thuật phòng trừ bệnh đến tận hộ dân.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ ở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Báo cáo kịp thời, trung thực về diễn biến tình hình, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dấu dịch.
Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại của bệnh; bố trí cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương bám sát cơ sở, hướng dẫn, tổ chức phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời ban hành quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh đạo ôn trên lá và cổ bông để thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...