Chưa đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Đã có 9/13 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia bỏ phiếu đồng thuận không tăng lương tối thiểu vùng 2021. Song phía Tổng LĐLĐ từ chối không bỏ phiếu.

Sáng nay (5/8), tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia tổ chức phiên họp thứ hai bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Ông Lê Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội chủ trì cuộc họp.

Chưa đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Toàn cảnh cuộc họp.

Nhận định doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do Covid-19, trong đó có cả những vướng mắc về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, sau khi nghe ý kiến của các bên trong hội đồng tiền lương, Thứ trưởng Lê Thanh cho rằng, năm 2021 sẽ không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng theo tháng và cũng không điều chỉnh lương tối thiểu theo giờ.

Thực tế các doanh nghiệp rất khó khăn, cần phải chia sẻ, chung tay. Hiện, khối cán bộ, công chức, viên chức nhà nước năm 2021 cũng sẽ không tăng lương cơ sở nên việc tăng lương tối thiểu năm 2021 cần hoãn lại, không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng.

Kết quả bỏ phiếu của Hội đồng tiền lương cho thấy, có đến 9/13 phiếu tán thành phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiên quyết không tham gia bỏ phiếu do không đồng ý với việc không tăng lương.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn sẽ trình Chính phủ đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng 2021, kèm theo cả quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động. Dựa theo tình hình thực tế của dịch bệnh, chuyển biến kinh tế, xã hội, có thể có những thảo luận bổ sung tiếp theo về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho năm tới.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra 2 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021.

Nếu chưa thống nhất, sẽ tạm chưa bàn tới việc điều chỉnh tăng. Tới đầu quý 1 hoặc quý 2/2021, sẽ căn cứ tình hình thực tế.

Trường hợp thứ 2, sẽ xem xét việc điều chỉnh từ sau tháng 7/2021 dựa vào tình hình thực cụ thể lúc đó.

“Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua và thời gian tới. Tuy nhiên qua các thông số đưa ra, nếu điều kiện khắc phục được thì bức tranh kinh tế sẽ hồi phục.

Ví như sau đợt dịch đầu, có đến trên 82.000 người ở Hà Nội vào du lịch Đà Nẵng. Rõ ràng, vấn đề sức khỏe doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc khắc phục hậu quả Covid-19. Mà các số liệu đưa ra chỉ là dự báo và không biết thời điểm nào khắc phục được. Vì vậy, nay chưa nắm được khi nào khắc phục được hậu quả Covid-19 vì thế chúng ta chưa bàn tới việc tăng lương tối thiểu năm 2021. Đầu năm 2021, căn cứ tình hình thực tế thì Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp bàn, xem xét việc có điều chỉnh tiền lương tối thiểu hay không”, ông Quảng nêu ý kiến.

Đại diện Tổng liên đoàn lao động vẫn đề nghị có những tính toán, điều chỉnh để cải thiện đời sống người lao động, song cũng cần đảm bảo “sức khỏe” của doanh nghiệp, bởi chỉ khi doanh nghiệp duy trì được hoạt động, người lao động mới có việc làm.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Hợp đồng mới chưa có, trong khi hợp đồng cũ đã thực hiện nhưng lại bị ép giá, lùi thời gian thanh toán.

"Những khó khăn này đang đè nặng lên doanh nghiệp. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã phải dùng nguồn vốn tích lũy dùng cho phát triển để tung ra nuôi quân, giữ chân người lao động, với mong muốn khi tình hình khả dĩ hơn sẽ tiếp tục sản xuất.

Nhưng 6 tháng đầu năm, trên 56.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Với tư cách đại diện chủ sử dụng lao động, VCCI đã có văn bản chính thức báo cáo với hội đồng tiền lương là dừng không bàn tăng lương tối thiểu vùng 2021 để khuyến nghị các cơ quan chính quyền địa phương có giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực này", ông Phòng cho biết.

Đại diện VCCI cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần có nhiều hình thức khác nhau để bồi dưỡng, đào tạo lại lực lượng lao động, có chương trình cụ thể nhằm giữ chân người lao động. Quyết tâm cao nhất của doanh nghiệp là tạo việc làm đảm bảo cho người lao động, nhưng hiện nay việc này đang thực sự khó khăn cần sự quyết tâm cao của chủ lao động, người lao động và cả các cơ quan liên quan.

Hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 được áp dụng như sau: Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 5,5% so với năm 2019 (tăng từ 150.000-240.000 đồng tuỳ từng vùng).

Theo VOV

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1

Nhiều chính sách tác động đến đời sống người dân có hiệu lực từ tháng 1/2025 như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, cấm thuốc lá điện tử, quy định mới về đăng ký hộ khẩu...
Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy ở Hà Tĩnh

Nghị quyết số 117/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định một số chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng sẽ được đại biểu bàn thảo tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh.