Du khách trẩy hội chùa Hương Tích đầu xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Thiên Vỹ
Dường như, để lên chùa, các cụ phải chủ động “sửa mình” sao cho thật thanh sạch để đảm bảo sự thành kính, tôn nghiêm nơi cửa Phật. Chả thế mà: để “đi chùa Hương”, em phải cùng “thầy me” dậy sớm từ khi “hoa cỏ” còn “mờ hơi sương”. Rồi sau đó diện trang phục rất đẹp - mà kín đáo: “yếm đào, quần lĩnh, áo the, nón quai thao”, rồi “vấn đầu, soi gương”… (ý thơ Nguyễn Nhược Pháp).
Rồi khi lên đến chùa, từ đi đứng, ăn nói, lễ bái, vãn cảnh… đều phải từ tốn, tuân thủ đúng lễ nghi.
Việc lựa chọn trang phục khi đến những nơi thanh tịnh, tôn nghiêm như: chùa, đền... là quyền tự do của mỗi người, nhưng rõ ràng nó phải phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Ảnh: Internet.
Hiện nay, việc đi lễ chùa, đền… vẫn là một nét đẹp văn hóa, đáng quý của người dân. Tuy nhiên, chúng ta bắt gặp không ít hành động lệch chuẩn, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi thờ tự, đặc biệt là ăn mặc hở hang, phản cảm, dù hầu hết các đền, chùa… đã đặt biển yêu cầu khách tham quan ăn mặc lịch sự.
Dẫu rằng, chuyện lựa chọn trang phục là quyền tự do của mỗi người, nhưng rõ ràng nó phải phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Tỉ dụ, người đến dự đám tang thường không ai mặc quần áo kiểu đi dự tiệc, dạ hội… Mặt khác, “Cái răng, cái tóc là góc con người” - hình dáng bề ngoài thường thể hiện tâm tính, nhận thức bên trong của mỗi người.
Bởi vậy, việc ăn mặc kín đáo, tế nhị, lịch sự ở những chốn tôn nghiêm như: chùa, đền… vừa thể hiện sự hợp lẽ với thuần phong mỹ tục của người Việt; vừa thể hiện “lòng thành, tâm thiện” của mỗi người khi về nơi thanh tịnh, linh thiêng.