Chúng con nguyện hứa với Người…

(Baohatinh.vn) - “Sáng tháng Năm trời trong xanh quá. Bốn phương tụ về Ba Đình…”. Lời bài hát da diết cất lên, vang vọng khắp quảng trường lịch sử, đọng mãi trong tâm trí của hàng vạn người dân và du khách trên đường vào Lăng viếng Bác Hồ.

Hà Nội một sáng tháng Năm, thời tiết không phụ lòng người. Cơn mưa dông từ đêm hôm trước làm dịu đi cái nóng của ngày hè oi ả, bầu trời trong xanh và hân hoan như chính cảm xúc của đoàn cháu con từ khắp dải đất hình chữ S đang tụ hội về bên Bác.

6.jpg
Dòng người xếp hàng vào Lăng viếng Bác.

Chưa đến 6 giờ sáng nhưng dòng người từ các ngả đường Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Kim Mã hướng về Lăng Bác đã nối dài dằng dặc và mỗi lúc một đông. Dường như, ai cũng muốn được chứng kiến lễ thượng cờ - nghi thức trang nghiêm trong tiếng nhạc Quốc ca hào hùng và ngóng trông giây phút được vào Lăng viếng Bác.

Đã nhiều lần đến đây nhưng lần trở lại này, chúng tôi mang trong mình một vị thế, cảm xúc đặc biệt khi là những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến dâng hương, báo công với Người.

Trước giờ báo công, đoàn vinh dự được Ban Quản lý Lăng tiếp đón ân cần, chu đáo. Đại tá Đỗ Tất Thành - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cung cấp cho đoàn nhiều thông tin về quá trình bảo quản thi hài, xây dựng Lăng Bác và công tác phục vụ Nhân dân, khách quốc tế đến thăm viếng.

Trang nghiêm lễ dâng hương, báo công với Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình.

Trang nghiêm lễ dâng hương, báo công với Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình.

Thước phim tư liệu “Những phút giây cuối đời của Bác” mà chúng tôi được xem thật sự là những hình ảnh vô giá, lay động lòng người. Từ năm 1965, Bác đã bắt đầu đặt bút viết những dòng đầu tiên của Di chúc và mỗi năm, Bác đều chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình, bối cảnh lịch sử.

Điều đó cho thấy, Người đã có những dự cảm cho “chuyến đi xa” và đón nhận bằng một tâm thế chủ động; để lại những lời căn dặn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân về những việc cần làm trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước.

Bóng hình Bác thân thương, giản dị hiện lên qua những hình ảnh chân thực, sống động cùng giọng đọc truyền cảm trong thước phim khiến các thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt và càng thêm yêu quý, kính trọng nhân cách cao đẹp của Bác.

Các điển hình tập thể, cá nhân trong phong trào học và làm theo Bác của Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm bên tượng Bác Hồ đang làm việc trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Các điển hình tập thể, cá nhân trong phong trào học và làm theo Bác của Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm bên tượng Bác Hồ đang làm việc trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Lễ báo công diễn ra trên Quảng trường Ba Đình lộng gió, dưới lá cờ Tổ quốc tung bay. Lời Bác phát ra từ chiếc loa nhỏ trầm ấm và ân cần ngỡ như Người vẫn còn ở đâu đây, dõi theo đoàn cháu con: “Các cô, các chú phải luôn nhớ, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất…”.

Anh Phan Đăng Ngọc - Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CP Dược Hà Tĩnh chia sẻ: “Được tham gia đoàn công tác của Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh dâng hương, báo công với Bác nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người là vinh dự lớn lao đối với bản thân tôi và 25 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào học tập và làm theo Bác giai đoạn 2021-2024. Trước anh linh của Người, chúng tôi nguyện hứa sẽ luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Bác; phấn đấu luyện rèn, nỗ lực góp phần thực hiện tốt lời căn dặn của Người: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.

z5454313232556_52059b3b7a756c2eaa1b45920d2cb21b.jpg

Những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác khiến người dân và du khách càng thêm kính yêu Người.

Hòa trong dòng người vào viếng Bác hôm nay, chúng tôi cũng gặp gỡ những con người cùng chung niềm cảm xúc thương mến, tự hào. Không ai bảo ai, dường như mọi người đều nhè nhẹ bước chân, chỉnh đốn trang phục, nghiêm trang hơn trong từng cử chỉ khi nhìn thấy Bác. “Bác nằm đó chỗ Ba Đình khai sáng nước. Người ngủ yên nơi Người đã bắt đầu…”.

Vượt quãng đường xa xôi từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) ra Thủ đô viếng Bác, bà Bùi Thị Hàn (50 tuổi) xúc động chia sẻ: “Lần thứ 2 được ra viếng Bác nhưng tôi vẫn nguyên cảm xúc như lần đầu của hơn 10 năm về trước. Cha tôi là cựu chiến binh chống Mỹ cứu nước nên từ nhỏ, chúng tôi được nghe kể nhiều về miền Bắc, về Bác Hồ và nỗi niềm “Miền Nam luôn trong trái tim tôi” mà Bác vẫn luôn đau đáu. Mỗi lần nghe lời bài hát Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác…”, tôi đều rất bồi hồi bởi đó chính là những tình cảm, lòng tưởng nhớ, tri ân người dân miền Nam chúng tôi dành cho Bác kính yêu”.

Với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ, chiến sĩ và hướng dẫn viên, các đoàn khách được tham quan những nơi gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người như: Quảng trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch, nhà sàn, vườn cây, ao cá Bác Hồ…

8.jpg
Nhà sàn của Bác là địa điểm tham quan thu hút du khách khi đến viếng Lăng Bác.

Từ những cụ già râu tóc đã bạc, những cựu chiến binh mang trên mình màu xanh áo lính, những nam thanh nữ tú duyên dáng trong tà áo dài cho đến các em nhỏ mặc áo đỏ sao vàng… tất cả đều chăm chú lắng nghe từng câu chuyện cảm động về Bác.

Cùng đoàn cựu chiến binh của thị trấn Hùng Sơn - huyện Đại Từ (Thái Nguyên) về viếng Bác, ông Trần Văn Lực (SN 1960) chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Những năm tháng chiến đấu gian khổ, sự sống và cái chết gần kề, nhưng chúng tôi luôn thầm hứa với Người sẽ tiếp bước con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn, quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nay đất nước hòa bình, tươi đẹp, mỗi dịp tháng Năm, tôi đều cùng đồng đội, con cháu về đây viếng Bác để tưởng nhớ, tri ân và cũng để nhắc nhớ, giáo dục thế hệ sau biết trân quý lịch sử, cội nguồn”.

3.jpg
Mỗi dịp tháng 5 về, ông Trần Văn Lực (Đại Từ - Thái Nguyên) vẫn thường cùng đồng đội, con cháu về Lăng viếng Bác.

Gần 50 năm qua, Lăng Bác Hồ đã trở thành một địa chỉ thiêng liêng, một di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt trong lòng mỗi người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Sự chỉn chu, trang nghiêm thể hiện trong từng cử chỉ, động tác của các đồng chí cảnh vệ, trong từng khâu tiếp đón. Mỗi người dân, du khách đến đây đều cảm nhận được sự tôn kính, niềm tin tuyệt đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Đại tá Đỗ Tất Thành cho biết: “Vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, Ban Quản lý Lăng nói riêng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đến nay, đã tiếp đón, phục vụ hơn 70 triệu lượt đồng bào và khách nước ngoài, trong đó, có hơn 10 triệu lượt đến từ các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi luôn nỗ lực để tạo ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu sắc trong lòng Nhân dân và bầu bạn quốc tế; phát huy hiệu quả ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới”.

Quảng trường Ba Đình vẫn trong xanh và lộng gió, cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay phấp phới như vẫy gọi muôn triệu trái tim về bên Bác. Có lẽ cũng như chúng tôi, mỗi người dân đến viếng Bác hôm nay đều chung niềm xúc động bồi hồi: “Hoa thơm ngát trời Thủ đô. Chúng con nguyện hứa với Người. Sắt son vì Tổ quốc hy sinh. Bảo vệ nước non đời đời sáng tươi…”.

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.