Người thân mang quà Tết đến cho phạm nhân
Trước cổng phân trại 1, đồ tiếp tế là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được đội kiểm tra kiểm soát gắt gao. Cùng với chiếc máy soi hiện đại vừa được trang cấp, những bàn tay cần mẫn, lão luyện của các chiến sỹ công an vẫn miệt mài kiểm soát từng gói hàng để đảm bảo không một vật dụng nguy hiểm hay ngoài danh mục tiếp tế nào “vô tình” lọt qua. Phạm nhân phấn khích nhận quà như con trẻ, nâng niu từng món dù nhỏ vì họ hiểu rằng, đó là tất cả những ân tình.
Phạm nhân Nguyễn Văn X. (Nghệ An) tâm sự: “Tôi vào đây thụ án đã được 4 năm, tết năm nào vợ và con cũng vào đây thăm. Gia cảnh cũng chẳng khá giả gì, thế nên để có những vật phẩm này, cô ấy phải dành dụm với tất cả những nghĩa tình chồng vợ. Đây không chỉ là món quà ngày tết mà còn là lời động viên, nhắc nhở tôi an tâm phấn đấu, cải tạo tốt để sớm về với gia đình, trả nghĩa phu thê”.
Sự động viên từ người thân như nhắc nhở các phạm nhân phấn đấu, cải tạo tốt để sớm về với gia đình
Đã 7 năm nay, tết nào Trần Tuấn H. (quê Hương Sơn) cũng ra cổng ngóng trông. Ngoài duy nhất 1 lần vợ lên thăm gặp, còn lại cuối ngày, H. lại lủi thủi về buồng với nỗi cô đơn giày vò. Niềm an ủi duy nhất của H. là sự quan tâm, thăm hỏi của cán bộ trại giam và sự động viên, chia sẻ của các bạn tù. Là người lễ phép, hiền lành nên H. được các bạn tù quý mến. Mỗi khi nhận được quà tiếp tế, ai cũng chia lại cho H. Vì thế, “đôi khi, em lại là người giàu nhất phòng” – H. tếu táo pha chút xót xa.
Thời gian xa cách với những khắc khoải, âu lo giữa các lần thăm gặp của người ở ngoài dành cho phạm nhân trong trại giam cũng dài dằng dặc. Chị Trần Thị C. (quê Thái Nguyên) trầm buồn cho biết: “Anh ấy vào đây đã được 5 năm. Một nách 2 con, đường sá xa xôi nên mỗi năm tôi chỉ vào thăm anh được 1 lần vào dịp tết. Mỗi lần gặp mặt, nhìn thấy anh ấy mạnh khỏe, vui vẻ là tôi an tâm. Chỉ mong anh ấy cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ với mẹ con, sống có ích cho gia đình và xã hội”.
Gặp nhau qua 1 tấm kính
Trong phòng thăm gặp, phạm nhân và người nhà cách ly bởi 1 tấm kính, trò chuyện với nhau qua điện thoại bàn. Dù không nghe nhưng chúng tôi cũng nhận thấy, những lời nói yêu thương, động viên, hứa hẹn, tin tưởng đầy vơi theo từng dòng nước mắt, từng nụ cười và ánh nhìn thương yêu. Ở một buồng thăm gặp, có cô gái khá xinh bồng theo đứa con kháu khỉnh như thiên thần. K. - chồng L. bị án khi cô mang bầu được hơn 5 tháng.
Đây là lần đầu tiên L. và con trai từ Hải Dương vào thăm chồng. Ngồi đối diện nhau, không nói được nhiều, 2 vợ chồng nức nở khóc. K. cứ đưa tay mân mê gương mặt con trai qua lớp kính phân cách, L. cố áp bàn tay chồng, cố tìm hơi ấm chở che qua lớp kính dày. Tôi biết, nếu không có tấm kính – ngăn cách pháp lý mà chính K. đã dựng lên, họ đã lao vào nhau, nồng ấm trong vòng tay cảm xúc. “Vì đâu nên nỗi”, chắc K. đã nhận ra điều này để làm lại cuộc đời.
Ở một góc khác của nhà thăm gặp, bác Đ.V.D (quê Nghệ An), đầu đã hai thứ tóc, vào Hà Tĩnh để được thăm gặp con trai. Nhìn đôi mắt đầy vết chân chim của người cha một đời lam lũ và ánh mắt đầy yêu thương, xa xót ông dành cho người con đang tù tội, chúng tôi bỗng thấy không gian như lắng lại.
Thượng úy Thái Văn Anh, cán bộ phụ trách công tác thăm gặp tại đây cho biết: Vào dịp tết, số lượng gia đình phạm nhân xin thăm gặp tăng rất nhiều. Vì vậy, đơn vị phải tập trung tối đa cho hoạt động thăm thân. Đây cũng chính là một trong những yêu cầu cần thiết cho công tác cải tạo, tạo điều kiện cho các phạm nhân an tâm, tin tưởng để lao động, cải tạo tốt hơn.
Xuân đang về qua song sắt trại giam Xuân Hà, những chia sẻ, động viên, những tâm tình của người nhà sẽ là động lực to lớn để các phạm nhân an tâm cải tạo. Hẳn rằng, những cung bậc buồn vui vào thời khắc đón xuân sẽ thấm sâu và khiến họ thay đổi, sớm trở lại là người có ích cho gia đình và xã hội.